UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khắc phục những tồn tại trong quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
|
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, NHCSXH tỉnh đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong chương trình, kế hoạch công tác; phân tích nguyên nhân và xử lý triệt để các vấn đề tồn tại. Các đơn vị phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn tín dụng hiện có, tích cực triển khai các giải pháp tăng trưởng nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025. Các đơn vị kiểm soát, đôn đốc công tác thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng, món vay 3 tháng không hoạt động; phân tích, có giải pháp xử lý triệt để các khoản nợ quá hạn lâu ngày. UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm soát hộ vay thay đổi địa bàn sinh sống có dư nợ NHCSXH; phối hợp với công an, bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế để tra cứu dữ liệu, nắm bắt thông tin nơi hộ vay chuyển đến. Tại các địa bàn có dư nợ lớn, UBND cấp xã cùng với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác phân tích đánh giá quy mô, bố trí con người và các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng đồng đều, toàn diện.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, UBND cấp xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; củng cố nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức triển khai hoạt động giao dịch cấp xã đảm bảo khoa học, hiệu quả, an toàn phục vụ người dân.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng giữa các huyện, thị xã, thành phố; giữa các đơn vị ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,34% tổng dư nợ và tăng so với đầu năm gần 3,5 tỷ đồng; chưa kiểm soát tốt người vay nợ đi khỏi địa phương…