Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung đánh giá về hiện trạng phát triển và thuyết minh rõ hơn về việc lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm. 


Làm rõ đề xuất hình thành đô thị loại I


Sau khi UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu kiến nghị của tỉnh. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh yêu cầu bổ sung các nội dung đánh giá về hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội, tỷ lệ đô thị hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh và khu vực dự kiến hình thành đô thị mới để làm rõ thêm đề xuất thành lập đô thị mới tại huyện Cam Lâm. Đây là nhiệm vụ nhằm từng bước xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo định hướng tại Kết luận số 53 ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị. 

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Một góc huyện Cam Lâm.
Một góc huyện Cam Lâm.


Theo Bộ Xây dựng, đề xuất của UBND tỉnh cần đảm bảo phù hợp với các định hướng lớn của quốc gia và nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt để đảm bảo tính pháp lý. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đề xuất đô thị mới dự kiến hình thành tại huyện Cam Lâm gồm một phần huyện Cam Lâm (không bao gồm xã Sơn Tân và xã Suối Cát) và một phần TP. Cam Ranh (gồm phường Cam Nghĩa và xã Cam Thành Nam). Vì vậy, UBND tỉnh cần rà soát, xem xét lại ranh giới của khu vực dự kiến hình thành đô thị mới trên cơ sở các yêu cầu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị để nghiên cứu phạm vi lập quy hoạch chung. 


Đặc biệt, Bộ Xây dựng lưu ý, UBND tỉnh đề xuất phát triển đô thị mới tại huyện Cam Lâm theo mô hình đô thị sân bay kết hợp du lịch, dịch vụ sinh thái với quy mô dân số tương đương đô thị loại I. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 4, Nghị quyết số 1210 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì đô thị loại I phải có “vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước”. Vì vậy, UBND tỉnh phải thuyết minh rõ chức năng, vai trò, quy mô, tính chất của đô thị mới dự kiến hình thành tại huyện Cam Lâm đối với vùng liên tỉnh, quốc gia và quốc tế, phù hợp với Nghị quyết số 1210.


Nhiều tiềm năng làm cơ sở phát triển


Sau khi nhận được văn bản của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu thực hiện các nội dung theo đề nghị của Bộ Xây dựng. 


Theo Sở Xây dựng, huyện Cam Lâm có diện tích tự nhiên 54.659ha, dân số 102,8 nghìn người, bằng 10,6% diện tích và 8,9% dân số toàn tỉnh. Đây là huyện xếp thứ 4 về diện tích và thứ 5 về dân số trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Huyện Cam Lâm có vị trí cận kề Sân bay quốc tế Cam Ranh, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, nằm giữa 2 đô thị lớn của tỉnh là TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh, thuận lợi trong việc giao thương cũng như đầu tư du lịch, phát triển đô thị… Đặc biệt, huyện Cam Lâm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với bờ biển dài 13km, 28 di tích (trong đó có 2 di tích cấp quốc gia). Ở xã Suối Cát còn có núi Hòn Bà với Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử, thể thao leo núi. Với tiềm năng trên, huyện Cam Lâm đủ cơ sở để phát triển, hình thành đô thị sân bay kết hợp du lịch, dịch vụ sinh thái.


Sở Xây dựng cho rằng, trường hợp nâng cấp tỉnh Khánh Hòa phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có phát sinh đơn vị hành chính cấp huyện thì phải thành lập mới 2 đơn vị hành chính cấp huyện (đảm bảo tối thiểu 11 đơn vị hành chính cấp huyện); đồng thời, thành lập tối thiểu 7 quận được nâng cấp từ 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì giới hạn về địa lý, diện tích, dân số. Trường hợp nâng cấp tỉnh Khánh Hòa phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương từ chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị (không phát sinh đô thị hành chính cấp huyện) thì phải nâng cấp tối thiểu 5 đơn vị hành chính cấp huyện thành mô hình quận. Với thực trạng trên, việc đầu tư, nâng cấp đô thị tại khu vực huyện Cam Lâm sẽ góp phần rất lớn vào việc phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. 


Hiện nay, UBND tỉnh đã có dự thảo giải trình các ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. Ngày 28-12, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các sở, ngành và địa phương yêu cầu góp ý cho dự thảo của tỉnh. 


NHẬT THANH

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202112/lap-quy-hoach-chung-do-thi-moi-tai-huyen-cam-lam-tiep-tuc-ra-soat-bo-sung-mot-so-noi-dung-8239584/