Kết thúc kỳ xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đợt 1, vẫn còn nhiều trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu và thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh (TS) cần tìm hiểu kỹ các điều kiện, chỉ tiêu, thời gian xét tuyển… của từng trường để nắm bắt cơ hội này.

Nhiều trường còn chỉ tiêu

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 150 trường ĐH trong cả nước chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tiến sĩ Phan Phiến – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khánh Hòa cho biết, trong xét tuyển đợt 1, trường có 1.098 TS trúng tuyển trên tổng số 1.735 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 794 TS xác nhận nhập học, chiếm 45,8% so với chỉ tiêu. Vì thế, chỉ tiêu cho xét tuyển bổ sung còn khá nhiều, nhất là các ngành nghệ thuật và CĐ sư phạm như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Sinh học, Giáo dục thể chất…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Cụ thể, bậc ĐH tuyển bổ sung 179 chỉ tiêu với 2 hình thức: xét học bạ đối với TS tốt nghiệp THPT các năm 2015, 2016, 2017 (điểm trung bình các môn học cả năm lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên) và xét điểm thi THPT quốc gia 2017. Đối với phương thức xét điểm thi, điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển như sau: sư phạm Ngữ văn 16,75 điểm đối với TS hộ khẩu Khánh Hòa và 20,25 điểm đối với TS hộ khẩu ngoài Khánh Hòa; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 17,75 điểm; Việt Nam học (Hướng dẫn du lịch) 16,5 điểm; ngôn ngữ Anh 19,25 điểm; các ngành ĐH còn lại bằng mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15,5 điểm.

Đối với bậc CĐ, nhà trường còn 283 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm và 623 chỉ tiêu cho các ngành ngoài sư phạm. Nếu chọn phương thức xét học bạ thì điểm trung bình các môn học cả năm lớp 12 đạt từ 5,5 trở lên. Với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, điều kiện xét tuyển của ngành giáo dục tiểu học là 18 điểm; sư phạm Hóa học (Vật lý) 10 điểm; sư phạm tiếng Anh 16 điểm; các ngành khác điều kiện chỉ cần tốt nghiệp THPT. Riêng các ngành sư phạm bậc CĐ yêu cầu TS có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa từ 3 năm trở lên; các ngành nghệ thuật kết hợp sơ tuyển năng khiếu.

Trong khi đó, Trường ĐH Nha Trang tuyển bổ sung 460 chỉ tiêu cho bậc ĐH. Với phương thức xét dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ngưỡng điểm xét tuyển các ngành như sau: quản trị kinh doanh 18,5 điểm; kinh doanh thương mại, marketing 17,75 điểm; tài chính – ngân hàng, công nghệ kỹ thuật ô tô 17 điểm; công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ chế biến thủy sản… 16 điểm; một số ngành khác 15,5 điểm. Đối với xét tuyển dựa trên học bạ THPT, còn tổng cộng 60 chỉ tiêu cho 4 ngành. Đối với trình độ CĐ, nhà trường xét tuyển bổ sung đối với 8 ngành, tổng cộng 100 chỉ tiêu.

Tiến sĩ Trần Doãn Hùng – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, TS được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng và xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Những TS có điểm xét tuyển trong cùng 1 ngành bằng nhau thì được xét tuyển như nhau không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp môn thi trong cùng 1 ngành là bằng nhau và được xác định theo ngành; TS chỉ trúng tuyển nguyện vọng có ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Nha Trang

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Nha Trang

Không giới hạn nguyện vọng

Việc xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần từ sau ngày 13-8 tùy thuộc vào kế hoạch tuyển sinh và tình hình thực tế của các trường. Theo quy định, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung không được thấp hơn điểm nguyện vọng 1; tùy từng trường mà có các mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển khác nhau.

Tương tự đợt 1, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định TS vẫn được phép đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Theo đó, TS có thể đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp khác nhau, nhiều ngành trong cùng một trường hoặc nhiều trường. Đây là cơ hội, song cũng là điều TS cần cân nhắc để chọn đúng ngành, đúng trường yêu thích theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, nhiều trường còn đưa ra các quy định riêng về việc đăng ký nguyện vọng, TS cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. Về thời gian nhận hồ sơ, có trường quy định hơn 10 ngày, có trường chỉ vài ngày, do vậy TS phải ghi nhớ các mốc thời gian của từng trường để tránh tuột mất cơ hội. Có 3 phương thức xét tuyển nguyện vọng bổ sung gồm: nộp trực tiếp nơi mình đăng ký, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Với cách xét tuyển trực tuyến, TS có thể đăng nhập vào địa chỉ thisinh.thithptquocgia.edu.vn để thực hiện các thao tác.

Tiến sĩ Trần Doãn Hùng lưu ý, TS theo dõi thông tin để xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc theo quy định của từng trường. Sau khi trường công bố kết quả xét nguyện vọng bổ sung, TS phải xác nhận nhập học bằng cách nộp cho nhà trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2017. Nếu quá thời hạn, TS không xác nhận nhập học thì bị coi như từ chối nhập học.

T.V

 

Theo: Báo Khánh Hòa