Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), thời gian qua, tình hình ô nhiễm bụi đá trên địa bàn huyện tuy đã được khắc phục nhưng chưa triệt để.

Có chuyển biến

Xã Vạn Thắng là địa bàn có nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác và chế biến đá xây dựng hoạt động, trong đó  Nhà máy Sản xuất đá granite Minexco và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sơn Phát để xảy ra tình trạng ô nhiễm bụi đá nhiều nhất.  

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo bà Lê Thị Linh – công chức Địa chính và Môi trường xã Vạn Thắng, năm 2016, xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm về môi trường đối với 2 đơn vị này, trong đó Nhà máy Sản xuất đá granite Minexco để bụi đá bay vào khu dân cư, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sơn Phát lấn chiếm đất công đổ thải chất bột đá gây ô nhiễm. Xã đã yêu cầu 2 đơn vị phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và khắc phục hậu quả.

Phân xưởng chế biến đá granite của Minexco đầu tư giàn máy mới

Phân xưởng chế biến đá granite của Minexco đầu tư giàn máy mới

Tại Nhà máy sản xuất đá granite Minexco, bãi thải bột đá chất cao như núi, phân xưởng chế biến đá có khoảng chục máy cắt đá đang hoạt động. Theo quan sát của chúng tôi, quá trình máy hoạt động có phun nước giảm bụi cho công nhân, phân xưởng không thấy có bụi do hoạt động cưa xẻ đá. Nước thải bùn đá được dẫn ra ngoài qua hệ thống mương, qua quá trình lắng lọc được tách bụi đá và chất thành đống. Ông Trịnh Văn Hoài – Quản đốc nhà máy cho biết, nhà máy đã giảm số lượng máy cắt đá cũ và tăng cường máy mới để bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường. Giải pháp xử lý chất thải của nhà máy hiện nay là sử dụng bột đá để thi công đường lên mỏ đá khai thác mới nên lượng bột đá giảm đáng kể so với trước. Sang năm 2018, khi nhà máy sản xuất gạch không nung đi vào hoạt động thì lượng tiêu thụ bột đá sẽ rất lớn, lúc này có thể giải quyết căn bản lượng bột đá tồn.

Tại Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sơn Phát, bãi thải bột đá lấn chiếm đất công đã được dọn sạch. Ông Võ Bá Hạt – Giám đốc công ty cho biết, đơn vị không có mỏ khai thác nhưng được tỉnh cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. Hiện nay, đơn vị phải mua đá khối, đá tấm, đá phôi để gia công các loại đá làm vật liệu xây dựng, quy mô sản xuất 100.000m2/năm. “Thời gian trước, DN gặp khó khăn về tài chính, chưa mua được xe tải nên để bột đá tràn ra khu vực xung quanh, gây bức xúc trong nhân dân. Hiện nay DN đã khắc phục, chở bột đá phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng cho người dân nên không còn thải ra bên ngoài, bãi đổ thải giảm còn 1/2 khối lượng bột đá so với trước”, ông Hạt cho hay. Hiện nay, DN đang kiến nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho phép mở rộng 1,5ha để triển khai nơi đổ thải, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường.  

Bãi thải bột đá của Nhà máy Sản xuất đá granite Minexco

Bãi thải bột đá của Nhà máy Sản xuất đá granite Minexco

Chưa khắc phục triệt để

Toàn huyện có 14 DN khai thác đá, trong đó có 5 DN vừa khai thác vừa chế biến, 2 DN chế biến đá. Các DN khai thác đá không gây tình trạng ô nhiễm bột đá, nhưng có 7 DN chế biến đá có thải lượng bột đá tương đối lớn.

Theo lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Vạn Ninh, tình hình ô nhiễm bột đá trên địa bàn huyện hiện nay vẫn còn. Nguyên nhân là do các công ty khai thác, chế biến đá granite có quy mô lớn chưa chủ động xử lý bột đá, chưa có khu vực lưu giữ bột đá, chưa tìm kiếm được đơn vị để hợp tác làm gạch không nung… Đặc biệt, 2 đơn vị Minexco và Sơn Phát có nhà máy chế biến trên địa bàn xã Vạn Thắng, có lượng đá chế biến khá lớn và lượng bột đá cũng chưa được xử lý triệt để. Hiện nay, các đơn vị này đã hạn chế việc vận chuyển bột đá ra ngoài khu vực nhà máy.

Để hạn chế ô nhiễm bột đá gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, thời gian qua, huyện yêu cầu các khu vực chế biến đá granite phải cách xa khu dân cư, ruộng lúa; dự án trước khi đi vào hoạt động phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn hầu hết các cơ sở chế biến đá granite đều nằm xa khu dân cư, riêng cơ sở chế biến đá granite của Minexco còn gần khu vực dân cư.

Ông Võ Thành Sơn – Trưởng phòng TN-MT huyện cho biết, việc xử lý chất thải, bùn thải của các đơn vị được chính quyền và ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở song mức độ khắc phục chưa như mong đợi. Năm 2016, huyện đã xử lý vi phạm hành chính về việc đổ thải bột đá của DN Sơn Phát 2 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khắc phục không để bột đá ra ngoài khuôn viên nhà máy. Thời gian tới, bên cạnh nhắc nhở, khuyến cáo, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý và phạt nặng các đơn vị chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là gây tình trạng ô nhiễm bột đá trên địa bàn.

P.L

Theo: Báo Khánh Hòa