Sáng 19-11, 360 chiến sĩ bộ đội, công an và dân quân TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang tìm kiếm thi thể của 3 người mất tích ở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Ngập trong tiếng khóc và khói hương

Có đến đây mới thấu hết nỗi đau của những người dân nghèo xóm Núi. Cả một khu vực rộng lớn nhà dân giờ đã bị san bằng, lổn ngổn đá và những vật dụng bị vùi lấp. Khói hương nghi ngút cầu cho những người đã tìm thấy được siêu thoát, những người còn bị vùi lấp dưới đống đổ nát chưa được tìm thấy xác càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm ảm đạm. Xen trong những tiếng hét toáng lên khi ai đó tìm thấy một kỷ vật của người thân là những tiếng khóc đứt quãng, làm cho ai đến đây cũng có cảm giác chùng lòng, xót xa.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Anh Lê Kim An (SN 1984) trong chiếc áo tang đang thắp hương nơi cha mẹ anh là ông Lê Kim Lương (SN 1957) và bà Đỗ Thị Bốn (SN 1963) vừa được tìm thấy thi thể. “Buổi sáng tôi đi làm sớm, còn dặn ba má nhớ nấu cơm ăn, đừng bỏ bữa sáng. Đâu nghĩ đó là lần nhìn thấy ba má tôi lần cuối cùng” – anh An nấc nghẹn.

Nha Trang tang thương xóm Núi - Ảnh 1.

Lực lượng cứu nạn tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn chôn vùi trong đất đá

Anh kể mình cũng chẳng được ai gọi về vì cả xóm hôm đó đều tan tác. Mãi đến khi anh đọc báo, biết xóm nhà mình bị nạn, anh mới vội vã chạy về. “Đến nơi thì người ta cũng tìm thấy ba má tôi, mặt mày đều biến dạng. Suýt nữa tôi còn không nhận ra” – anh An nói đoạn rồi quay mặt đi. Mãi sau anh mới kể thêm người em gái của anh là Lê Thị Kim Dung cùng người cháu Diệp Gia Bửu sống cùng nhà với cha mẹ anh cũng bị thương nặng, gãy chân đang cấp cứu tại bệnh viện. Nhà đơn chiếc, anh phải chạy đi chạy về đến nỗi 2 ngày rồi mà quên ăn.

Cách đó không xa, 2 anh em ông La Xuân Thu (SN 1954) và La Ngọc Ửng (SN 1966) đang lẩm bẩm khấn để được tìm thấy xác người chú ruột là ông La Hăng (SN 1948). Khuya 18-11, 2 anh em ông mới hay hung tin và đã tức tốc bắt xe từ Bình Định vào đây để tang cho gia đình người chú. Tuy nhiên, vào đến đây, 2 ông mới biết lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy thi thể người thím là bà Lê Thị Ngán (SN 1951), còn ông Hăng vẫn chưa tìm thấy.

Ông Thu cúi xuống nhặt những tấm giấy khen của 2 cháu Sơn Thị Mỹ Hạnh (lớp 7) và Sơn Thị Trúc Linh (lớp 4) lấm lem bùn đất rồi lau vội vào áo. “Tội lắm, 2 cháu ở với ông bà. Giờ ông bà mất, còn 2 cháu thì đang cấp cứu ở bệnh viện vì bị gãy chân mà chẳng ai nuôi” – giọng ông Thu như chùng xuống.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP Nha Trang – người trực tiếp chỉ huy lực lượng cứu nạn tại xóm Núi, cho biết ông từng nhiều lần chỉ huy lực lượng cứu nạn, nhưng chưa bao giờ ông thấy tang thương như lần này. Bốn người chết tại đây đã tìm thấy thi thể là cháu Trần Kim Tuyền (SN 2004, ở xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên vào đây chơi và gặp nạn), bà Lê Thị Ngán, ông Lê Kim Lương và bà Đỗ Thị Bốn. Ngoài ra còn 3 người mất tích đang tìm kiếm thi thể là anh Trần Duy Quyên (SN 1995), bà Trần Thị Đáo (SN 1961) và ông La Hăng.

Chẳng còn nhà để làm tang lễ

Ông Dũng cho biết trong ngày 19-11, lực lượng cứu nạn đã đào hàng trăm khối đất đá, nhưng vẫn chưa tìm thấy những người mất tích. Trận lũ ống kèm theo sạt lở núi cuốn tất cả qua đây nên không thể xác định những người mất tích ở những vị trí nào. “Bây giờ giống như mò kim đáy bể nhưng anh em đã xác định bằng mọi giá phải tìm thấy” – ông Dũng nói.

Xóm Núi có tất cả 350 nóc nhà, hầu hết các hộ gia đình sống bằng nghề đi biển. Theo bà Nguyễn Thị Quy (60 tuổi), các hộ dân nơi đây đều là dân nghèo từ khắp nơi về đây lập xóm vào đầu những năm 2000. “Không nhà ai ở xóm này có giấy phép xây dựng. Chính quyền thấy dân nghèo dựng tạm nhà để ở nên cũng không nói gì. Cứ vậy rồi cất lên. Hồi giờ vẫn sống yên ổn chứ đâu ngờ lở núi tàn khốc đến vậy” – bà Quy nói rồi kể lại vào sáng 18-11, bà đang bưng chén cơm để ăn thì nghe cái ầm, bà bị bùn đất cuốn phăng đi cả trăm mét, mất hết cả quần áo đang mặc trên người. May mà bà không bị đá đè. Đến khi bà ngồi dậy, chạy thoát thì nhìn lại đã thấy cảnh tượng hãi hùng, tất cả đều bị san lấp.

Bà Quy bảo rằng nỗi đau càng day dứt là giờ đây cũng chẳng còn nhà để con cháu làm tang lễ, thờ phụng. Anh Lê Kim An cho biết anh phải để cha mẹ nằm nhờ ở nhà văn hóa thôn để làm tang lễ vì chẳng còn biết ở đâu. “Đau lòng lắm, nghĩa tử nghĩa tận nhưng vì không còn nhà đành làm vậy. Cả những người mất ở đây đều như thế cả”.

Ông Đặng Lợi, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang, cho biết trước cảnh không còn nhà cửa để lo hậu sự cho những người đã mất, xã đã yêu cầu thôn Thành Phát mở cửa nhà văn hóa thôn để các gia đình tổ chức tang lễ tại đây. “Xã cũng đã hỗ trợ tiền cho các gia đình có người thiệt mạng. Hiện cả 4 người được tìm thấy xác đều đã được gia đình làm lễ và đưa đi hỏa táng” – ông Lợi nói. 

17 người chết, 3 mất tích

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết đến cuối giờ chiều 19-11, TP Nha Trang đã có 17 người chết (trong đó có nhà sư Nguyễn Văn Tiên vừa mới tìm thấy xác), 3 người còn mất tích và 31 người bị thương. TP Nha Trang đã huy động gần 1.000 người tham gia công tác cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, đồng thời hỗ trợ cho những gia đình có người chết lo hậu sự. “Đúng là một thảm họa với TP Nha Trang. Người dân chúng tôi đã chịu sự mất mát quá lớn” – ông Khánh bộc bạch.

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Theo: Người Lao Động