Khác với mọi năm, vụ lúa hè thu năm nay được người dân xuống giống sớm và đại trà hơn nhằm tránh đợt mưa bão cuối năm dự báo sẽ đến sớm.
Tập trung gieo sạ
Thời điểm này, hoạt động thu hoạch lúa đông xuân đã gần kết thúc. Uớc tính, năm nay, năng suất lúa đông xuân tăng từ 10 đến 15% so với năm trước. Giá bán lúa ổn định ở mức trên dưới 6.000 đồng/kg giúp nông dân có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha lúa.
Ngay sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, một số địa phương như: Vạn Ninh, Ninh Hòa đã xuống giống vụ hè thu. “Theo lịch thời vụ, trà 1 vụ hè thu bắt đầu từ ngày 25-4 hàng năm và kết thúc vào đầu tháng 6. Hiện nay, nông dân các xã: Vạn Thắng, Vạn Bình (Vạn Ninh) và Ninh Thân, Ninh Hà, Ninh Bình (Ninh Hòa) đã xuống giống khoảng 400ha lúa. Trà giữa bắt đầu từ ngày 25-5, nhưng ngay từ bây giờ, nông dân đã bắt đầu xuống giống đại trà”, bà Lương Kim Ngân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.
Những năm trước, lúa hè thu thường được xuống giống thành 2 – 3 đợt, tổng thời gian của các đợt khoảng 40 ngày, diện tích gieo trồng tương đối cân bằng giữa các đợt theo cách ở những khu vực đầu nguồn hệ thống thủy lợi gieo trồng trước, rồi cuốn chiếu dần về phía hạ du. Năm nay, do điều kiện nước tưới đầy đủ hơn, việc gieo trồng tập trung hơn.
Việc thu hoạch lúa đông xuân đã cơ bản hoàn tất.
Việc thu hoạch lúa đông xuân đã cơ bản hoàn tất.
Gieo trồng sớm, tập trung lúa ngắn ngày
Thông thường, lúa hè thu cho thu hoạch vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm. Thời gian gieo sạ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6. Với dự báo mưa bão có khả năng đến sớm, nên hoạt động gieo trồng lúa hè thu năm nay được tập trung trà chính trong quãng thời gian từ ngày 10 đến 25-5. Nếu trễ hơn nhiều khả năng sẽ gặp thời tiết xấu. Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tập trung rà soát kế hoạch gieo trồng vụ hè thu, trong đó chủ động khoanh vùng sản xuất lúa, màu, vùng chuyển đổi cây trồng để có các giải pháp tập trung chỉ đạo. Cùng với việc sử dụng các giống chịu hạn, ngắn ngày, gieo sạ sớm, đối với vùng có thể chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày khác, các địa phương căn cứ kế hoạch chuyển đổi cây trồng, các chính sách hỗ trợ hiện hành để hướng dẫn nông dân liên kết và hợp tác chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với vùng chủ động và an toàn nguồn nước tưới, cần bố trí lịch gieo sạ đúng kế hoạch, đầu tư thâm canh sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo sạ tập trung vào trà chính vụ. “Khi gieo sạ tập trung trong quãng thời gian ngắn, hoạt động chăm sóc, điều tiết nước sẽ dễ dàng hơn. Gieo sạ sớm tránh mưa gây thiệt hại về năng suất cũng như ảnh hưởng đến việc thu hoạch bằng máy”, bà Ngân cho biết.
Năm nay, diện tích lúa hè thu khoảng 19.000ha, gần tương đương với lúa đông xuân chính vụ. Cơ cấu giống chủ lực vẫn là ML48, ML202, ML214, OM4900. Ngoài ra, việc chuyển dần sang các giống lúa khác như: TH41, Đài Thơm 8 vẫn tiếp tục được áp dụng. Những diện tích khô hạn được chuyển sang trồng đậu xanh, đậu phụng và bắp lai. Theo ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, giống lúa chủ lực như: ML48, ML214 cho năng suất, chất lượng ổn định. Tuy nhiên, giống lúa này đã qua khá nhiều năm canh tác, có dấu hiệu thoái hóa. Cơ quan chuyên môn cần sớm nghiên cứu phục tráng giống lúa này. Còn các giống mới cho chất lượng cao hơn thì cần thời gian để người dân làm quen, chuyển đổi.

Theo: Báo Khánh Hòa