Niên vụ mía vừa qua, 2 nhà máy đường và người trồng mía đều gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa làm việc với 2 nhà máy đường để nắm bắt tình hình và tìm hướng tháo gỡ.
Những vấn đề nảy sinh
Trong các đợt tiếp xúc cử tri từ đầu năm đến nay, cử tri các xã: Ninh Tây, Ninh Tân và Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa) phản ánh Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, nay là Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (VietSugar) không thực hiện đúng hợp đồng thu mua mía niên vụ 2017 – 2018. Cụ thể, trong hợp đồng đầu năm, nhà máy thu mua mía tại ruộng nhưng khi vào niên vụ thì lại thu mua mía tại bàn cân của nhà máy nên người dân rất khó chủ động trong việc thuê xe vận chuyển. Qua tìm hiểu của UBND thị xã Ninh Hòa, trong hợp đồng thu mua ký kết giữa nhà máy và người trồng mía, các hộ trồng mía có trách nhiệm liên kết với xe để vận chuyển mía về nhà máy. Các khoản tiền mía và chi phí thu hoạch, vận chuyển, bốc xếp mía lên xe sẽ được VietSugar chuyển khoản trực tiếp cho khách hàng bán mía. Hình thức thu mua này, theo phía doanh nghiệp là nhằm tạo sự chủ động cho người trồng mía, tránh được cảnh cây mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng phải phơi đồng dài ngày do chưa đến lịch thu hoạch như trước.
Còn theo một số hộ trồng mía ở xã Ninh Sơn (Ninh Hòa), 2 công ty đường thanh toán tiền mía rất chậm, sau 15 ngày nhập mía, gây khó khăn cho người dân khi phải thanh toán chi phí nhân công thu hoạch. Điều này được giải thích là do trong giai đoạn khó khăn, lượng đường tồn kho nhiều nên các đơn vị thu mua có thanh toán chậm so với các niên vụ trước. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh các hợp đồng đã ký kết với người dân, phía Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Ninh Hòa (BHS-NH) không quy định cụ thể thời hạn thanh toán là bao nhiêu ngày sau khi thu mua mía. Còn hợp đồng giữa người trồng mía và VietSugar ghi rõ chậm nhất sau 15 ngày nhập mía, công ty sẽ thanh toán tiền mua mía, sau thời hạn này nếu công ty chưa thanh toán thì số tiền đó sẽ được tính lãi suất theo quy định.
Qua tìm hiểu được biết, niên vụ mía 2017 – 2018, cây mía gặp khá nhiều trắc trở. Cuối năm 2017 hứng chịu bão mạnh, nhiều diện tích đổ ngã. Chi phí thu hoạch cũng vì thế tăng cao hơn so với bình thường; chưa kể nhân công chặt mía năm nay không chỉ khan hiếm mà giá chặt mía cũng tăng so với trước. Theo nhiều nông dân, giá chặt mía thông thường chỉ khoảng 1.600 đồng/bó, nhưng nhiều thời điểm người trồng mía phải trả tới 2.000 đồng/bó cũng không kiếm đủ công. Bên cạnh đó, năng suất cây mía năm nay có phần giảm so với mọi năm, chỉ quanh quẩn ở mức 50 tấn/ha. Đã thế, giá thu mua mía năm nay lại giảm hàng trăm nghìn đồng mỗi tấn, chủ yếu nằm ở mức 800.000 đồng/tấn loại 10CCS.
Phía các doanh nghiệp tiêu thụ mía đường cũng chịu nhiều khó khăn, nhất là khi đường ngoại nhập tràn vào thị trường với mức giá chỉ ngang với giá thành của đường sản xuất trong nước, nên lượng đường tồn kho tăng cao. Các hoạt động hỗ trợ nông dân cũng vì thế có phần suy giảm.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Trong buổi làm việc giữa 2 nhà máy đường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, theo BHS-NH, niên vụ 2018 – 2019, công ty có các chính sách như: hỗ trợ mía giống, chăm sóc mía nguyên liệu, hỗ trợ chi phí và cung cấp dịch vụ cơ giới, đầu tư vật tư nông nghiệp và chính sách thu mua mía đầu tư, mía bao tiêu vụ cho các hộ nông dân với mức giá cạnh tranh tùy theo từng thời điểm trên thị trường; giảm lãi suất cho những hộ nhận vốn đầu tư, bán vật tư nông nghiệp trả chậm với lãi suất ưu đãi, bảo hiểm chữ đường cho 20 ngày đầu vụ ở mức 8,5CCS; mía ngã đổ do bão được xếp lịch thu hoạch trước; tỷ lệ rác dưới 3% sẽ được bỏ tỷ lệ rác; bảo hiểm chữ đường 20 ngày cuối vụ đạt 8,5CCS và hỗ trợ 20.000 đồng/tấn mía; hỗ trợ 100% tiền vận chuyển và bốc xếp; hỗ trợ chi phí sửa chữa đường giao thông nội đồng vận chuyển mía; hỗ trợ không hoàn lại các nội dung: trồng mía đáp ứng thu hoạch bằng máy, chi phí giống mía tơ, chi phí cày ngầm, chi phí bón phân bằng máy với số tiền 5 triệu đồng/ha. Công ty dành ra hơn 18 tỷ đồng để hỗ trợ các khoản hoàn thành hợp đồng, giảm lãi suất đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, cơ giới, lắp đặt hệ thống béc quay tưới mía, trồng mía tơ…
Còn phía VietSugar áp dụng ưu đãi lãi suất theo lãi vay ngắn hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các khoản vay: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền mặt để nông dân đầu tư trồng, chăm sóc mía. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người trồng mía không phụ thuộc vào chữ đường ở mức 650.000 đồng/tấn; hỗ trợ chi phí vận chuyển, bốc xếp. Đối với khối lượng mía ký hợp đồng trước ngày 1-2-2018, công ty đã đảm bảo giá mua là 800.000 đồng/tấn. Tổng cộng các khoản hỗ trợ sau đầu tư đối với diện tích trồng giống mía mới, chi phí thu hoạch do mía ngã đổ, hỗ trợ lãi suất đầu tư, bổ sung tiền mía đối với xe mía có chất lượng mía quá thấp trong niên vụ 2017 – 2018 hơn 6,8 tỷ đồng. Hai công ty đều đưa ra 2 hình thức thu mua để người dân chọn lựa, đó là thu mua tại ruộng và thu mua tại nhà máy.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ này, sở tiếp tục chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ nông dân và Dự án Cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại thị xã Ninh Hòa; triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mía đường theo quy định tại Nghị định 98 của Chính phủ; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về sửa đổi Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, hệ thống tưới cho các bên tham gia liên kết, sản xuất và tiêu thụ mía đường.
Niên vụ 2018 – 2019, toàn tỉnh có hơn 18.000ha mía. Hiện nay, mức độ đầu tư của người dân dành cho cây trồng này đang suy giảm. Hy vọng với sự nỗ lực của cả người trồng mía, đơn vị bao tiêu sản phẩm và cơ quan quản lý, cây mía đường sẽ mang lại thu nhập khá cho người trồng mía như trước đây.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa