Sáng 9-10, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và đề nghị UBND tỉnh này sớm đưa đường băng số 2 vào hoạt động trước khi Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) ra cảnh báo vì đường băng số 1 xuống cấp nghiêm trọng.

Hậu quả rất khủng khiếp

Tại buổi làm việc, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh (sân bay Cam Ranh) là nhà ga đặc biệt khi đón đến 70% là khách quốc tế, chỉ 30% khách trong nước. Hiện các hãng quốc nội khai thác 6 đường bay từ địa phương đến Khánh Hòa với 185 chuyến/tuần. Đường bay quốc tế có 21 hãng khai thác.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo ông Thắng, nhu cầu phát triển sân bay Cam Ranh cực kỳ lớn, tăng trưởng “nóng”. Khi đưa Nhà ga Quốc tế Cam Ranh vào khai thác thì công suất tiếp đón mới là 13 chuyến/giờ, điều hành 20 chuyến/giờ. Nhiều hãng xin được bay nhưng do cơ sở hạ tầng cũng như nhân sự, an ninh, hải quan… chưa đủ phục vụ nên phải từ chối. Dự kiến năm 2018, sân bay Cam Ranh có tổng công suất khoảng 8,5 triệu lượt đi/đến, công suất tăng trưởng khoảng 20%. Trong khi đó, đường băng số 1 đang xuống cấp nghiêm trọng, đường băng số 2 vẫn đang xây dựng và chỉ còn 5% khối lượng công trình để hoàn thành đưa vào vận hành.

Sân bay Cam Ranh xuống cấp nặng - Ảnh 1.

Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh đang quá tải, riêng đường băng số 1 xuống cấp nghiêm trọng

Ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cần đưa đường băng số 2 nhanh chóng vào hoạt động. “Điều kiện bảo đảm an toàn đối với hàng không rất cao. Nếu có sự cố, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chỉ cần ICAO tuyên bố đường băng này nát rồi, không bảo đảm an toàn nữa, khuyến cáo không bay đến Cam Ranh thì không hãng hàng không nào dám đến. Nếu giảm lượng khách thì các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí ở TP Nha Trang sẽ ra sao? Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Sân bay Nội Bài, Tân Sân Nhất cũng xuống cấp nhưng chưa nghiêm trọng như Cam Ranh” – ông Thể cảnh báo.

“Thiếu nợ” 686 tỉ đồng!

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án Đường cất hạ cánh số 2 – sân bay Cam Ranh được phê duyệt đầu tư vào năm 2015 với 1.936 tỉ đồng, hiện đang thiếu vốn thanh toán. Trong thông báo ngày 24-3-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư (tương đương 968 tỉ đồng), phần còn lại do địa phương bố trí. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân 900 tỉ đồng/968 tỉ đồng, ngân sách trung ương đã bố trí 350 tỉ đồng và còn thiếu 618 tỉ đồng.

“Với tính cấp thiết phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng hiệu quả, đồng bộ với nhà ga quốc tế Cam Ranh đã đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, tránh nguy cơ uy hiếp an toàn giao thông. UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng bố trí phần vốn ngân sách trung ương còn thiếu cho dự án” – ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị.

Theo bộ trưởng GTVT, đường băng số 2 dù có làm tích cực cũng phải thông báo quốc tế 56 ngày theo luật, công tác tuyên truyền phổ biến cũng phải mất 3 tháng mới vận hành. Đường băng số 1 thì sắp tới trung ương sẽ bố trí nguồn vốn để cải tạo lại hoặc làm mới. Đối với đường băng số 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đã hứa thì vấn đề còn lại là thời gian để bố trí nguồn vốn.

Thêm nhà ga T3

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quy hoạch mới, công suất dự kiến đến năm 2020 của sân bay Cam Ranh là 8 triệu lượt khách/năm, năm 2030 là 25 triệu lượt/năm. Nhà ga quốc tế mới đã được đầu tư với công suất đón 8 triệu hành khách/năm, đang quá tải. Hai nhà ga quốc tế và quốc nội đã hoạt động “kịch trần” nên cần mở rộng, nâng cấp nhà ga T3 với công suất 12 triệu lượt/năm nhưng trước đây chưa quy hoạch nhà ga T3.

Về việc này, Bộ GTVT đề nghị tỉnh báo cáo Chính phủ để làm việc với các bộ, ngành nhằm giữ được quỹ đất mở rộng sân bay khi cần thiết.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Theo: Người Lao Động