Tôi đã nghe ở huyện miền núi Khánh Sơn có một dòng sông chảy ngược, một thị trấn miền sơn cước và cả một loài cây mang tên Tô Hạp. Loài cây tô hạp một thời chỗ nào cũng thấy và đã đi vào đời sống văn hóa của người dân Raglai nơi đây, giờ đã dần thưa vắng, nhường chỗ cho những vườn cây ăn trái giá trị cao mang đến sự trù phú cho vùng đất này.

Đi tìm cây tô hạp

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Trong trí nhớ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Raglai Mấu Quốc Tiến, cách đây khoảng 30 – 40 năm, cây tô hạp mọc rất nhiều ở vùng đất Khánh Sơn, dọc theo con sông lớn, những con suối nhỏ bởi tô hạp ưa nước. Ông Tiến lý giải: “Có thể vì vùng đất này có nhiều cây tô hạp nên tên cây đã hóa tên dòng sông, vùng đất. Trong một số nghi lễ của người Raglai xưa, hương cây tô hạp được dùng để xông, tựa như người miền xuôi xông trầm; nhựa cây dùng để điều trị một số loại bệnh thông thường như: Đau bụng, mụn nhọt rất hiệu nghiệm; lá cây thì kẹp nướng với cá suối ăn rất ngon; gỗ nhỏ dùng làm cán một số loại nông cụ…”. Hiện nay, cây tô hạp chỉ còn rải rác ở một số khu vực như: Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Thành Sơn…; có nơi, cây lớn 2 người ôm, có nơi chỉ còn một vài cây nhỏ, nhưng ở thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) là nơi có quần thể cây tô hạp lớn, mọc dày nhất ở huyện Khánh Sơn hiện nay.



Một góc thị trấn Tô Hạp bây giờ, với dòng Tô Hạp uốn quanh. Ảnh: PHƯƠNG ĐÀI

Một góc thị trấn Tô Hạp bây giờ, với dòng Tô Hạp uốn quanh. Ảnh: PHƯƠNG ĐÀI



Ông Trần Tấn Chóng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này dẫn tôi đi tìm cây tô hạp. Dọc thác Tà Gụ, trước mắt tôi, những cây tô hạp lớn, nhỏ, có cả những thân cây 2 – 3 người ôm, cao chừng 12m, lá hình chân vịt, vỏ tứa nhựa. Với tay vít cành tô hạp vắt ngang dòng thác, ông Chóng vò nát nắm lá rồi đưa tôi. Nắm lá ấy có mùi hăng chua; chính vị hăng chua ấy mà người Raglai dùng lá tô hạp để ăn kèm cá suối nướng. Trong cuộc trò chuyện với ông Chóng, tôi được biết về sự kỳ lạ của con sông mang tên loại cây này. Sông Tô Hạp là một trong những con sông chảy ngược hiếm hoi ở nước ta. Khi mưa lũ, sông cuồn cuộn như nhắc nhở con người phải biết trân quý những gì thiên nhiên ban tặng. Khi hiền hòa, sông cung cấp nước tưới, bồi đắp cho sự xanh tươi, trù phú của những vườn cây ở đôi bờ. Cây tô hạp xưa ôm cả dòng sông nay cũng đã thưa dần.



Một cây tô hạp khép mình ở thác Tà Gụ.

Một cây tô hạp khép mình ở thác Tà Gụ.


Miền quả ngọt hôm nay


Tuy đã đi vào đời sống văn hóa của người dân Raglai nơi đây, nhưng cây tô hạp ngày càng thưa bóng trên vùng đất Khánh Sơn, nhường chỗ cho những loài cây mang lại đời sống ấm no cho người vùng cao, nhất là cây sầu riêng. Ông Chóng cho biết: “Địa phương đang tính đến chuyện đánh số, bảo vệ quần thể cây tô hạp ở thác Tà Gụ để lưu giữ lại một loài cây đã từng hiện diện nhiều ở vùng đất này”.



Những cô gái Raglai trong rợp bóng cây tô hạp ở thác Tà Gụ. Ảnh: TUẤN ANH

Những cô gái Raglai trong rợp bóng cây tô hạp ở thác Tà Gụ. Ảnh: TUẤN ANH



Men theo dòng Tô Hạp từ Ba Cụm Bắc ngược về phía tây đến tận xã Thành Sơn, cây tô hạp đã nhường chỗ cho những vườn sầu riêng miên man, xanh rợp. Ghé thăm vườn sầu riêng của ông Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp), ông kể: “Cách đây 6 – 7 năm, gia đình tôi ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Lúc ấy, nghe theo chính quyền, tôi trồng 140 cây sầu riêng. Đến nay, qua 2 năm thu hoạch, cuộc sống đã đổi khác, gia đình tôi tích lũy được 400 triệu đồng, nhờ đó đã thoát nghèo bền vững, có điều kiện để lo cho 2 con học đại học, xây được nhà, mua sắm nhiều tiện nghi”. Cũng theo ông Hùng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở địa phương đã đổi thay, khấm khá hơn cũng nhờ nguồn thu từ cây ăn quả, nhất là cây sầu riêng.


Ông Mấu Thái Cư – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn là người rất hiểu cơ duyên cây sầu riêng bén rễ với đất Khánh Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên đi tìm những cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nhằm giải bài toán xóa đói, giảm nghèo, để rồi tìm được sầu riêng, loại quả quý như vàng cho vùng đất này. Ông Cư cho biết: “Đến nay, toàn huyện có 1.908ha sầu riêng, trong đó có hơn 1.100ha cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 đạt khoảng 9.000 tấn. Cùng với sầu riêng, các loại cây có giá trị kinh tế cao khác như: Bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, quýt đường, mía tím… đã mang lại sự đổi thay cho đất và người Khánh Sơn”. Tôi thử nhẩm tính, sầu riêng tươi được nhà vườn bán với giá trung bình 45.000 đồng/kg. Vậy, vụ mùa 2022, người trồng sầu riêng Khánh Sơn thu đến hơn 400 tỷ đồng; chưa kể nguồn thu từ các loại cây trồng khác cũng rất cao. Rõ ràng Khánh Sơn chuyển mình, nhiều người giàu có với nhà cửa bề thế cũng nhờ loại cây này.


Rong ruổi qua miền Tô Hạp, tôi được nghe thêm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Sức sống mới đã phủ khắp “miền quả ngọt”; nơi ấy có cả sự chân thành, nồng ấm của người Khánh Sơn.


HẢI LĂNG  

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202301/ve-mien-to-hap-8275460/