Tôi ở Nha Trang 10 năm. Khi trở lại quê nhà Quảng Ngãi, nhiều người bạn hỏi rằng: Ấn tượng nhất của tôi về thành phố biển ấy là gì? Tôi nói ngay mà không cần phải ngập ngừng lựa chọn: “Đó là những tên làng còn sót lại giữa một đô thị đổi thay từng ngày”. Vì sao ư? Vì chính những tên làng ấy neo lại một phần ký ức của người Nha Trang thuở ông cha đi mở cõi.


Bạn phải có một chút ký ức về Nha Trang, nói đúng hơn là phải có một khoảng thời gian sống ở đây, vừa đủ để vui buồn và chiêm nghiệm thì mới phát hiện ra điều tôi vừa nói. Trong chúng ta, phần lớn đều sinh ra và lớn lên ở quê. Những ngôi làng đã từng chở che, cưu mang và nuôi dưỡng ta, nó đã là một phần trong ký ức không thể phai mờ. Đối với người Nha Trang cũng vậy, dù thành phố bây giờ đã thay đổi từng ngày, làm hao khuyết bao điều ngỡ như bất biến trong nếp nghĩ của người Nha Trang xưa – vốn là những cư dân của các làng chài, nhưng rất may là họ biết giữ gìn theo cách của những người luôn nặng lòng với quá khứ, dù là một quá khứ lam lũ, khổ nghèo. Tên của các ngôi làng thuở còn lau sậy vẫn hiện hữu giữa xô bồ huyên náo của một thành phố du lịch tấp nập xe cộ với những người đủ các giọng nói, màu da, sắc tộc. Hỏi có đô thị nào như Nha Trang bất chấp mọi cơn lốc của thời mở cửa để giữ được những điều xưa cũ ấy không?

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA



Sông Cái nơi cuối dòng. Ảnh: Nguyễn Chung

Sông Cái nơi cuối dòng. Ảnh: Nguyễn Chung


Nơi cuối “dòng sông lau”


Theo cách giải thích của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ và dân tộc học thì Nha Trang là cách gọi chệch của chữ Ea Trang hay Yja Trang. Ea hay Yja trong tiếng Chăm có nghĩa là dòng sông. Còn Trang trong tiếng Chăm có nghĩa là lau sậy. Ea Trang hay Yja Trang có nghĩa là dòng sông lau. Từ tên chỉ con sông thành tên của một vùng đất, rồi được dùng cho cả vịnh biển xinh đẹp như bây giờ. Dẫn ra những điều trên đây để thấy rằng, trước khi hòa vào biển cả bao la, con sông Cái đã trằn mình qua bao ghềnh thác ở thượng nguồn, để khi về gần đến biển thì lại phải luồn qua lau lách một lần cuối cùng rồi mới vỡ òa trong bao la sóng trắng. Nó cũng nói lên rằng, dang rộng hai cánh tay ra đón dòng sông lau lách ấy là cư dân của những làng chài được hình thành ngẫu nhiên trong quá trình dịch chuyển từ nhiều tỉnh ở Trung Trung Bộ vào định cư. Tôi đã gặp những người “đồng hương” của mình nhưng giọng nói thì thuần Nha Trang, họ quần cư nơi xóm bãi giữa đôi bờ sông Cái. Những “đồng hương” ấy luôn giữ ngọn lửa ấm nóng biết bao ân tình khi nói về một con người vĩ đại – bác sĩ A.Yersin, dù ký ức về “ông Năm” chỉ có bố mẹ hoặc ông bà họ lưu giữ, và ký ức ấy cũng đã theo ông bà, bố mẹ họ về với thế giới người hiền từ thuở nào rồi.


Nha Trang – dòng sông lau sậy vừa là chứng nhân của lịch sử mở cõi thuở xưa lại vừa là bến đỗ yên hàn của bao lớp cần lao đi tìm kế sinh nhai. Họ đã khai sơn phá thạch và đã ký gửi cho hậu thế bằng những tên làng, dù phải trải qua bao biến thiên thời cuộc, những cái tên quê kiểng ấy vẫn trường tồn với thời gian.

Sót lại giữa phố đông


Hơn 30 năm trước, tôi có tham gia làm loạt sách kỷ niệm 200 năm Quang Trung đại phá quân Thanh (1789-1989) do Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình bấy giờ chủ trương. Hai cha con nhà thơ Quách Tấn – Quách Giao đóng góp rất nhiều vào số sách liên quan đến nhà Tây Sơn. Tôi thường liên hệ với họ và thuộc luôn địa chỉ nhà ở 12 Bến Chợ – Nha Trang. Mãi đến khi tôi vào công tác lâu dài ở Nha Trang, có dịp làm quen với ông Quách Giao thì mới hiểu con phố mang tên rất khác lạ này. Bến đi với sông chứ sao lại đi kèm với chợ? Nhà nghiên cứu Quách Giao giải thích: “Chợ Đầm vốn là một cái đầm nước rất rộng, thông ra sông Cái bằng một con kênh luôn luôn có nước để tàu bè ra vào dễ dàng. Đầm nước này có thể là một đoạn sót lại của con sông Cái trước khi đổi dòng như hiện nay. Thế nhưng, truyền thuyết kể lại rằng, thuở hồng hoang, đây là nơi ẩn phục của một con cù. Một hôm, con cù trở mình rồi lặng lẽ bò ra biển, để lại một hố sâu, chính là đầm nước này. Dân buôn bán, trao đổi sản vật từ thượng nguồn về và từ biển lên đều đến đầm nước này để họp chợ. Và đã hình thành hàng loạt bến buôn bán, mỗi bến là một mặt hàng. Cái tên “Bến Chợ” ra đời từ đó. Tên về một con đường đã gợi nhớ một quãng ký ức về lịch sử của thành phố này là vậy. Hoàn toàn có thể thay tên phố ấy bằng tên một danh nhân nào đó ở thời hiện đại, nhưng Nha Trang không làm thế.


Cũng như tên gọi vùng đất bị kẹp giữa hai nhánh sông Cái ở cuối dòng, dù là cồn Ngọc Thảo hay là cồn Nhất Trí nhưng người Nha Trang vẫn gọi đó là cồn Dê – nơi “ông Năm Yersin” vẫn ghé thăm và khám bệnh cho dân nghèo, phát kẹo cho lũ trẻ vào mỗi ngày Chủ nhật từ 100 năm trước, làm sao ký ức ấy có thể bôi xóa được?


Rồi tên gọi Ba Làng, nơi một làng chài thuở xa xưa nhìn ra danh thắng Hòn Chồng. Một bộ phận cư dân ở bắc miền Trung thuộc vùng Thanh – Nghệ đã di cư vào đây và mang luôn tên làng theo hành trang của mình để rồi đỗ lại nơi bãi dương này. Gần 70 năm qua, tên Ba Làng như một phần máu thịt của người Nha Trang, đến mức con phố xuyên qua vùng này có tên Dương Hiến Quyền cũng chỉ mang ý nghĩa hành chính, còn người dân thì vẫn cứ gọi Ba Làng!


Đi dọc bờ sông Cái hoặc ghé vào một ngôi miếu cổ nào đấy quanh chợ Đầm, bạn như nghe những âm thanh xưa cũ vọng về từ một tên gọi gợi nhớ: Hà Ra, Xóm Cồn, Cù Huân, Xương Huân, Linh Trung, Xóm Mới…


Tốc độ đô thị hóa ở Nha Trang nhanh đến mức những ai đi xa chừng mười năm về trước, giờ trở lại sẽ khó nhận ra một Nha Trang của quá khứ, nơi từng cất giấu một phần đời trai trẻ của mình. Nhưng rất may là, bạn cứ chậm rãi mà bước, cứ nhấn nhá để ngắm nhìn dòng sông lau nơi cuối bãi, một quá khứ xưa cũ trong bạn sẽ được đánh thức bằng những tên làng!


TRẦN ĐĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202301/nhung-ten-lang-sot-lai-giua-pho-dong-8275462/