Hội Nông dân (HND) TP. Nha Trang là đơn vị đi đầu trong việc động viên nông dân làm du lịch theo chủ trương của tỉnh, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Những mô hình hay

8 giờ, chúng tôi có mặt tại bến đò xã Vĩnh Ngọc để tham quan mô hình du lịch sinh thái ven sông của ông Lê Công Lộc tại thôn Xuân Ngọc. Chưa đầy 10 phút, chiếc ca nô do ông Lộc tự lái đã đưa khách đến “đảo gà”. Ông Lộc kể, ông được cha mẹ cho mảnh đất 1.500m2 ven chân núi Hòn Thơm (xã Vĩnh Ngọc) nhưng đầy đá sỏi, khô cằn, trồng cây gì cũng khó, vợ chồng ông chỉ biết chăn nuôi gà để ổn định cuộc sống. Một lần, được ông đãi món gà đồi dân dã, những người bạn của ông ai cũng đều khen. Từ gợi ý của bạn, ông Lộc bắt đầu mở dịch vụ phục vụ khách du lịch. 

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Ao thu quán mộc mạc, bình dị vốn có của làng quê Việt Nam.

Ao thu quán mộc mạc, bình dị vốn có của làng quê Việt Nam.

 
Nhà ông Lộc nằm bên dòng sông Cái thơ mộng, đón ngọn gió mát lành chính là điểm cộng khi mở dịch vụ. Ngoài nuôi gà sạch, ông còn trồng thêm dưa leo, cà chua hay các loại rau gia vị khác phục vụ khách. Ông còn tự làm những vật dụng như: chõng tre, xích đu…, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng du khách rất thích. Đến quán, khách có thể vào bếp, tự chế biến các món ăn hay chọn con gà nào ưng ý nhất… Thế là, từ một khu rẫy hoang vu bên sông Cái, quán của ông dập dìu đón khách thập phương. Ước tính mỗi ngày, quán thu hút 50 – 70 khách; thứ Bảy, Chủ nhật lượng khách tăng gấp đôi; thu nhập bình quân 40 – 50 triệu đồng/tháng. Ông Lộc đã sắm được 2 ca nô, tổng trị giá 400 triệu đồng để đón khách, đảm bảo an toàn khi qua sông.

Đến Ao thu quán của ông Phùng Xuân Thu (thôn Phước Trung, xã Phước Đồng), ai cũng cảm thấy thích thú trước hình ảnh quen thuộc của chiếc cần câu, giậu lục bình, mái nhà lá nhỏ… như bao làng quê Việt thanh bình khác. Ông Thu kể, trước đây, ông học ngành Công nghệ thông tin, sau đó vào Viettel Khánh Hòa làm việc. Tuy công việc tạm ổn nhưng ông muốn có thêm thu nhập nên mở Ao thu quán. Đến nay, ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 4 chòi lớn, 5 chòi nhỏ, cầu sắt phục vụ khách du lịch câu cá giải trí, thực đơn là các món ăn đồng quê… Khách của quán chủ yếu là người dân địa phương và các đoàn khách nội địa hay người Nga, Trung Quốc đến tham quan Nha Trang, số lượng 100 – 200 người/ngày. Hiện tại, quán có 10 – 12 nhân viên, trong đó có 3 người khuyết tật. Sắp tới, quán sẽ thực hiện dự án nuôi gà sạch, trồng rau sạch… để tạo việc làm cho người khuyết tật.

 
Cần một cú hích

Theo lãnh đạo HND TP. Nha Trang, thực hiện Chương trình hành động số 14 (ngày 24-7-2017) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thường trực Thành ủy Nha Trang đã phê duyệt kế hoạch của HND TP. Nha Trang về “Mô hình nông nghiệp kết hợp làm dịch vụ du lịch”. Từ kế hoạch trên, HND TP. Nha Trang đã vận động, kêu gọi nông dân nhân rộng các mô hình kinh tế, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với chương trình phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển “Mô hình nông nghiệp kết hợp làm dịch vụ du lịch” nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn, mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất kinh doanh du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HND TP. Nha Trang, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi mới. Hiện nay, HND TP. Nha Trang đang phối hợp với HND tỉnh  khảo sát một số mô hình du lịch nhà vườn và có giải pháp đầu tư bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch, kết hợp khai thác và xây dựng mô hình dịch vụ homestay tại các thôn, xã, khôi phục và phát triển nghề thủ công… Bên cạnh đó, việc khai thác các vùng sinh thái rừng phòng hộ ven biển; trang trại nuôi trồng của các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp; làng nghề làm nông cụ, đan lát, chế biến thủy sản, làng nghề ven sông Cái Nha Trang… sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng cho bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về vốn, chuyên môn, đất đai nên các mô hình chỉ dừng lại ở việc thu hút khách ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, chưa có tầm vóc như các doanh nghiệp khai thác du lịch. Vì vậy, thời gian tới, HND TP. Nha Trang tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành quan tâm, có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển du lịch, tạo ra cú hích mới cho nông nghiệp, nông thôn. “Qua đăng ký, hiện tại có 7 mô hình, hầu hết đã đi vào hoạt động. Hiện nay, các cấp HND thành phố đang tích cực vận động nông dân làm kinh tế du lịch theo chủ trương của tỉnh; đồng thời sẽ xem xét, đề xuất ý kiến với Thành ủy, UBND thành phố quan tâm giao đất 5% cho nông dân thuê phát triển các loại hình kinh doanh nông nghiệp gắn với du lịch; nghiên cứu huy động vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình du lịch sinh thái…”, ông Dũng nói.

VĨNH LẠC