Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại Công điện vào sáng 17-12 về ứng phó siêu bão RAI.
Cụ thể, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, bão RAI sẽ vào biển Đông vào tối 17-12, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6-8m ở khu vực bắc, giữa và nam biển Đông; ngày 19 và 20-12, khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15; đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.
Đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến còn rất phức tạp. Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương kiểm tra, rà soát, tập trung triển khai thực hiện công tác chủ động ứng phó.
Cụ thể, trên biển và các đảo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm đếm, sắp xếp, quản lý, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú an toàn; thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18 giờ 17-12 cho đến khi kết thúc bão.
Phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện sơ tán người dân trên các lồng bè đến nơi an toàn, công tác sơ tán dân trên biển hoàn thành trước 8 giờ ngày 19-12.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt.
Lực lượng quân đội, công an chủ động tổ chức rà soát lực lượng, sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và kịp thời triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống do thiên tai gây ra.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác PCTT đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình, hoạt động sản xuất.
H.Đ