Nếu bạn có thể đi trên con đường có những bậc thang dọn sẵn, nếu bạn chỉ cần lên một chuyến xe để tới ngọn thác đó, thì bạn sẽ không gặp thác Tà Gụ. Cho đến nay, chưa hề có một tour tuyến nào đưa bạn đến đây. Tuy nhiên, chính chuyến du lịch bụi đúng nghĩa: ba lô trên vai, mang theo đồ ăn thức uống, mang cả phương tiện đi rừng là lên đường. Bởi khi đã đến nơi, mới thấy sự mê hoặc đến lạ của ngọn thác này. Và khi đôi chân phải trườn lên từng mỏm đá, bám vào từng rễ cây để chạm gặp mới thấy giá trị của sự khám phá một cánh rừng nguyên sinh, một ngọn thác xưa nay ít có dấu chân người. Tất nhiên, hiện nay đã có nhiều người tìm đến.

Thác Tà Gụ thuộc xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn. Từ TP. Cam Ranh rẽ theo Tỉnh lộ 9, đi trên ngọn đèo Khánh Sơn rất lãng mạn khoảng 40km là tới thị trấn Tô Hạp. Không hề có một bảng chỉ đường cho biết thác Tà Gụ ở đâu, ngoài việc hỏi người dân địa phương. Đôi khi thấy bạn lạc đường, người dân chặn lại và bảo: “Anh/chị đi thác Tà Gụ phải không? Hãy đi lối này”. Tôi đã gặp những người dân nhiệt tình như thế, để một lần được in dấu chân mình lên ngọn thác bí ẩn này.

Từ đường Hùng Vương đi mãi, rẽ nhiều lần, đi trên con đường đất nhỏ, lên cao, xuống thấp… cuối cùng là tới thác. Ngày lễ ở đây mới có người giữ xe, còn bình thường thì bạn cứ khóa xe để đó và bắt đầu chinh phục. Trên đường đi, bạn có thể dừng chân ở cầu Apa Bưởi để ngắm con suối chảy ngược độc đáo về phía Tây, có cảm giác như nước chảy từ thấp lên cao.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Thác Tà Gụ trước đây có tên là thác Ngà Voi, sau thành tên Tà Gụ bởi nước thác chảy vào con suối cùng tên. Câu chuyện gắn liền với thác được người già ở đây kể lại, sau lưu truyền. Đó là từ thuở đất trời giao hòa, nơi đây có dòng suối với hoa nở bốn mùa, nước xanh. Các nàng tiên trên trời bay xuống tắm gội dưới suối, rồi lên đỉnh núi cao xõa tóc dài phơi khô. Trong đó, có nàng tiên Út vì mải mê vui chơi, bị cửa trời đóng lại, đành ở trần gian mà hóa thành ngọn thác. Ngọn núi vời cao mà ngọn thác chảy xuống như một chiếc ngà voi có tên rất đẹp: Núi Chalo.

Thật ra, thác Tà Gụ được biết đến chỉ vài năm nay, khi có nhiều bạn trẻ cứ đi xe máy, lên đường khám phá. Từ đó, những cuộc khám phá đến ngọn thác cứ tăng dần lên.

Không thể phủ nhận việc đến thác Tà Gụ là một cuộc mạo hiểm thật sự. Con đường đi xuống bên dưới là con đường nguy hiểm. Vách đất lở, những rễ cây nhô ra, người mạo hiểm cứ níu rễ cây, chân tìm những mô đất nhô ra mà leo xuống tới bờ thác. Thật ra, khi tới nơi chỉ thấy đá tảng giăng đầy, nước đang chảy về xuôi. Nhưng đi là phải tới tận cùng, thế là lại nhảy lên những mỏm đá để vượt qua bên kia suối. Những hòn đá ở đây rất trơn trượt, vì thế nhiều người đi trước đã cố tình thả những cành cây tre lớn cho người đi sau níu mà qua. Cách đơn giản hơn là cứ xắn quần lội nước, vì chỗ cao nhất mực nước cũng chừng 0,8m.

Sau khi qua bên kia bờ, lại đi men theo con đường rừng do người đi trước mở ra. Con đường nhỏ, bề rộng chừng 0,4m rất khó đi, lúc lên cao, lúc xuống thấp, nhiều khi phải bám rễ cây mà leo. Cuối cùng là tới vách đá. Việc khó khăn nhất chính là leo xuống vách đá ở độ cao 5m để chinh phục thác Tà Gụ. Có nhiều người bỏ cuộc, chỉ ngồi ở những tảng đá từ xa mà ngắm nhìn.

Chạm tới thác Tà Gụ sẽ thấy khác hẳn với bất cứ thác nào bạn đã tới. Dòng nước trắng xóa bung mình chảy không ồn ã, đổ xuống một hồ nước rộng chừng 200m2. Bên cạnh hồ nước là một mỏm đá cao chừng 6m. Ở đây còn nhiều cây rừng nguyên sinh, nhiều bãi đá bằng để nghỉ chân, ngồi đó mà ngắm nhìn thác. Đặc biệt, len bên các cây lớn có rất nhiều cây ô rô.

Hiện nay, thác Tà Gụ vẫn chưa hề có dịch vụ nào, nhưng sự hấp dẫn của ngọn thác hoang sơ đã khiến ngày càng có nhiều bước chân tìm tới.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG