Theo tờ trình về ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan khai thác nước trên địa bàn TPHCM đến năm 2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, TPHCM chỉ khai thác 100.000m3/ngày.
Đồng thời, TPHCM sẽ trám lấp các giếng khoan hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh kiểm tra tình hình cấp nước sạch tại huyện Củ Chi
Hiện nay, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố vào khoảng hơn 700.000m3/ngày. Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2019, giảm lượng khai thác còn 330.000m3/ngày; giai đoạn 2024-2025 còn 100.000 m3/ngày.
Riêng đối với Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), lượng nước khai thác dưới đất hiện nay là 130.000m3/ngày, đến năm 2025 sẽ giảm còn 50.000m3/ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng việc cắt giảm lượng nước khai thác dưới đất theo lộ trình trên là khả thi.
Theo sở này, dự báo nhu cầu sử dụng nước của TPHCM đến năm 2025 (bao gồm nước sinh hoạt, công nghiệp, các loại hình dịch vụ khác và nước thất thoát) là 3.570.000m3/ngày đêm.
Trong khi đó, riêng tổng công suất cấp nước sử dụng nước mặt từ các nguồn sông Đồng Nai/hồ Trị An và nguồn nước sông Sài Gòn/hồ Dầu Tiếng – hồ Phước Hòa đến năm 2025 là 3.600.000m3/ngày đêm.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết các khu vực đã có hệ thống cấp nước của thành phố, lưu lượng, chất lượng và áp lực nước đáp ứng yêu cầu sẽ ngưng cấp phép mới hoạt gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất.
Nhiều hộ gia đình được cấp đồng hồ nước tại nhà nhưng ít sử dụng và chuyển sang dùng nước giếng khoan
Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ áp dụng các giải pháp hỗ trợ khác như đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước của thành phố, không sử dụng nguồn nước dưới đất; đề xuất điều chỉnh quy hoạch cấp nước của TP, trong đó có tích hợp với biến đổi khí hậu cho phù hợp với điều kiện của thành phố.
Hiện nay, tình hình khai thác nước ngầm tràn lan có nguy cơ dẫn đến hiện tượng sụt lún. Ngoài ra, nguồn nước thải ô nhiễm xâm nhập vào nguồn nước dưới đất nên việc sử dụng nguồn nước này chưa qua xử lý để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân.
Quốc Anh
Theo: Dân Trí