Cơn bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề đối với người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ngay sau bão, bên cạnh các đối tượng chính sách, hộ nghèo, chính quyền các địa phương đã tập trung chăm lo cho đối tượng này.

Vừa nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau bão, bà H’ Trây H’ Nhiên – người dân tộc Ê-đê ở thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) tâm sự: “Sau khi bão tan, gia đình tôi bàng hoàng khi căn nhà của mình đã bị bão giật tốc mái, 2/3 nhà bị sập, vật dụng trong nhà hư hỏng hoàn toàn. Xã đã cho dân quân đến giúp sửa lại nhà sau để 5 người ở tạm, cấp phát 10kg gạo để không bị thiếu đói. Chúng tôi mong muốn, Nhà nước sớm hỗ trợ xây dựng lại nhà ở cho chúng tôi để sớm ổn định cuộc sống”. Ông Nguyễn Hùng Cường – Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết: “Sau bão, trên địa bàn xã có 49 hộ đồng bào DTTS bị sập nhà hoàn toàn, hơn 450 hộ có nhà bị hư hỏng nặng. Trước khi có hỗ trợ từ cấp trên chuyển về, địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để mua gần 10 tấn gạo cấp cho các hộ có nguy cơ thiếu đói. Ngoài ra, địa phương cùng các lực lượng còn hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa để có nơi ở tạm”.

Dân quân xã Khánh Hiệp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số lợp lại nhà

Dân quân xã Khánh Hiệp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số lợp lại nhà

Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện có 304 hộ đồng bào DTTS có nhà bị sập hoàn toàn, 7.063 hộ có nhà bị tốc mái (đến nay đã khắc phục xong cho hơn 2.150 hộ bị hư hỏng nhẹ). Trước mắt, địa phương vận dụng nhiều biện pháp để các hộ có nhà bị sập, hư hỏng nặng có nơi ở tạm, đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ thương mại huyện chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, UBND xã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để mua gạo, nhu yếu phẩm cấp phát cho các hộ, nhất là hộ đồng bào DTTS bị thiệt hại nặng. Huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ hơn 220 tấn gạo cứu đói cho người dân trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các hộ đồng bào DTTS.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Trên địa bàn xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) có 19 căn nhà của đồng bào DTTS bị sập hoàn toàn, 280 căn nhà của các hộ đồng bào DTTS ở 3 thôn thuộc khu vực Suối Lau bị hư hỏng nặng. “Ngay sau bão, địa phương cùng các lực lượng vũ trang tiến hành hỗ trợ lợp lại nhà, khắc phục những nhà ít bị hư hỏng để người dân có nơi ở. Đối với những nhà bị sập hoàn toàn, hư hỏng nặng đã bố trí đến ở tạm tại nhà người thân, hàng xóm. Xã cũng đã thăm hỏi, động viên, trước mắt hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có nhà bị sập hoàn toàn; lập danh sách 2.600 nhân khẩu là người đồng bào DTTS cần được hỗ trợ gạo cứu đói khẩn cấp, mức 15kg/người. Hiện nay, lương thực của các hộ đang cạn dần, địa phương mong muốn cấp trên sớm đưa gạo cứu đói về để cấp phát cho các hộ”, ông Lương Đức Huệ – Chủ tịch UBND xã nói.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, trong cơn bão số 12, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không có người chết, chỉ có 14 người bị thương; có 495 nhà bị sập hoàn toàn, 9.184 nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng.

Tại huyện Khánh Sơn có 17 hộ đồng bào DTTS bị sập nhà, 139 hộ có nhà bị hư hỏng nặng. “Địa phương đã tổ chức khắc phục hậu quả cho đồng bào DTTS trên địa bàn, toàn huyện không có hộ nào rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, không có hộ nào bị đói”, ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn khẳng định. Hiện nay, địa phương khẩn trương rà soát, xác định mức độ thiệt hại của các hộ trên địa bàn để triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, công bằng; huyện đã gửi cơ quan chức năng danh sách 1.179 người đồng bào DTTS cần được hỗ trợ gạo cứu đói.

Theo ông Đặng Văn Tuấn – Trưởng ban Dân tộc UBND tỉnh, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thêm cho một số đối tượng ưu tiên, trong đó hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/nhà bị sập hoàn toàn; 15kg gạo/nhân khẩu. Ban Dân tộc tỉnh đã có báo cáo cho Ban Dân tộc của Chính phủ để khẩn trương hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; tới đây sẽ trích từ nguồn kinh phí đặc thù của ngành để hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn sau bão. “Qua thăm hỏi, nắm bắt tình hình ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, về cơ bản không có hộ nào bị đứt bữa, không có hộ nào phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất. Tuy nhiên, đời sống của các hộ hiện nay rất khó khăn, chỗ ở tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Chúng tôi mong muốn, bên cạnh việc khắc phục chung, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với các hộ đồng bào DTTS”, ông Tuấn nói.

BÍCH LA

Theo: Báo Khánh Hòa