Hiện nay, việc thu gom, xử lý chất thải dầu nhớt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc dù Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định.
Thu gom nhưng không biết xử lý
Dạo một vòng quanh các cơ sở ga-ra, tiệm sửa xe máy, ô tô tại TP. Nha Trang hay các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, điều dễ nhận thấy là dầu nhớt thải ngấm vào đất, bốc mùi khó chịu, giẻ lau dầu vứt bừa bãi. Không chỉ vậy, một số nơi tiếng ồn (đe búa, hàn xì…) còn vượt ngưỡng cho phép.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một số ga-ra trên đường 23-10 (Nha Trang) và khu vực xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) cho biết, các cơ sở này có thu gom dầu nhớt nhưng chuyện rơi vãi là điều khó tránh khỏi và họ không biết xử lý thế nào khi môi trường bị nhiễm bẩn. Không những thế, sau khi thu gom, dầu nhớt thải được mua bán lòng vòng không thể kiểm soát. Chủ một ga-ra tại xã Vĩnh Trung cho biết, số lượng dầu nhớt thải hàng tháng lên tới 200 – 300 lít, được bán với giá bình quân 500.000 đồng/phuy (200 lít) nhưng không biết họ đem đi đâu và làm gì.
Ông Phan Kim Ngọc – chủ một ga-ra ô tô tại Suối Hiệp cho biết, ông chưa thấy ai đến triển khai việc đăng ký nguồn thải, ngoài việc cán bộ xã đến thu phí môi trường 60.000 đồng/tháng. Để vệ sinh môi trường, ông chứa dầu nhớt thải trong các thùng phuy và bán lại cho người có nhu cầu, đồng thời xây hầm thu gom. Tuy vậy, cơ sở của ông cũng không giải quyết nổi tình trạng dầu nhớt thải vương vãi.
Ông Lê Đình Chung – Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp cho hay, ông chưa nghe ai phản ánh về việc ô nhiễm dầu nhớt thải, trừ một trường hợp người dân phản ánh trước đây tại cây xăng Khánh Hòa (cũ) trong nước mưa xuất hiện váng dầu. Xã đã làm việc và yêu cầu doanh nghiệp xử lý. Riêng việc thực hiện đăng ký nguồn thải hay thu gom dầu nhớt thải, 2 năm qua chưa thấy Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện triển khai. Vì thế, Nhà nước cần tổ chức tập huấn cho các cơ sở thực hiện trước khi có biện pháp chế tài.
Được biết, hiện nay, Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp đặt tại thôn Ninh Ích (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) đã đi vào hoạt động. Trong số gần 100 doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với nhà máy chỉ có 6 đơn vị ký kết thu gom, xử lý dầu thải là: Công ty Cổ phần Đường Việt Nam, Tập đoàn Mai Linh tại Nha Trang, Công ty TNHH Seyoung – Hòa Hiệp, Chi nhánh Công ty Ô tô Trường Hải, Chi nhánh Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang và Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, chất thải dầu nhớt thuộc danh mục chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015 của Bộ TN-MT. Do đó, việc tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng phải tuân thủ theo quy định pháp luật về quản lý chất thải và phế liệu tại Nghị định 38/2015 của Chính phủ.
Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy với các quy mô khác nhau nhưng chưa làm thủ tục để được xác nhận, quản lý.
Để tăng cường quản lý nhà nước về vấn đề này, ngày 22-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải tuân thủ đúng quy định pháp luật về quản lý chất thải và phế liệu. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại thông qua thủ tục trực tuyến cấp độ 3… Mọi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại, trong đó có dầu nhớt thải bị xử lý theo quy định tại Nghị định 155 (ngày 18-11-2016) của Chính phủ.
Theo ông Bùi Minh Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT, thời gian tới, sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý chất thải, phế liệu.
Ông Hà Quang Hòa – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa kiến nghị, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dầu nhớt thải nói riêng và chất thải nguy hại nói chung nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ môi trường, Cảnh sát môi trường có biện pháp rà soát, kiểm tra và chế tài đối với các đơn vị chủ nguồn thải vi phạm công tác quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại.
Đến nay, Sở TN-MT đã cấp và xác nhận cho 323 chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trong đó có 32 cơ sở ga-ra, tiệm sửa xe máy. Các ga-ra, tiệm sửa xe phát sinh chất thải nguy hại như: dầu nhớt thải, giẻ lau dính dầu, bóng đèn huỳnh quang thải… đều phải đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại tại Sở TN-MT.
Theo: Báo Khánh Hòa