Nằm cuối dòng nước thải của khu vực dân cư phía bắc Nha Trang, tuyến mương thoát nước thải ra cửa xả Vĩnh Ngọc đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Dòng kênh đen
Theo nhiều người dân thôn Xuân Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), cách đây hơn chục năm, khu vực cửa xả Vĩnh Ngọc (còn gọi là cửa xả Phù Sa) không hề bị ô nhiễm. Cá, tôm rất nhiều do nước lưu thông với sông Cái. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, kênh và cánh đồng Gò Ráng biến mất, thay bằng nhà cửa, khu dân cư… 
Ô nhiễm môi trường tại khu vực cửa xả Vĩnh Ngọc.
Ô nhiễm môi trường tại khu vực cửa xả Vĩnh Ngọc.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực cửa xả Vĩnh Ngọc màu nước rất đen. Mấy ngày nay, trời có mưa song mùi hôi vẫn khá nặng. Toàn bộ tuyến mương Phước Huệ đổ về hạ lưu cũng bị nhuộm đen nhưng tại vị trí cửa xả là nặng nhất vì đây là cuối dòng. 
Ô nhiễm môi trường làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong khu vực. Bà  C. – người dân sống gần khu vực cửa xả Vĩnh Ngọc cho hay, do mùi hôi nồng nặc nên bà phải đóng cửa suốt ngày. Ai đi qua khu vực này đều phải bịt mũi… Ông Lê Văn Hiếu – Trưởng thôn Xuân Ngọc thừa nhận ô nhiễm trầm trọng kéo dài đã chục năm. Thời gian qua, chính quyền các cấp đã vào cuộc nhưng để chấm dứt ô nhiễm không đơn giản. 
Năm 2020 mới xây dựng nhà máy xử lý nước thải
Ông Lê Văn Mỹ – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho hay, mới đây, đoàn giám sát xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã chất vấn về vấn đề này. Xã đã kiến nghị UBND thành phố nạo vét, kiên cố hóa tuyến mương Phước Huệ để giảm thiểu mùi hôi. Hiện nay, xã Vĩnh Ngọc có 12 hộ nằm trong phạm vi giải tỏa, đang chờ đền bù. TP. Nha Trang đang lập dự toán đầu tư tuyến mương hộp, từ thôn Hòn Nghê ra tới cống đường sắt, tổng kinh phí 2,25 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, ô nhiễm hệ thống nước thải phía bắc Nha Trang vẫn còn tồn tại dai dẳng và thành phố đang giải quyết từng phần. Các biện pháp trước mắt là đầu tư các tuyến mương kín, nạo vét, tạo đường thoát nước và xử lý môi trường. Hiện nay, đoạn từ Đài Phát xạ đến khu vực giao với tuyến đường sắt Bắc Nam triển khai Dự án thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô. Dự án này đang đầu tư tuyến cống hộp 4 ngăn, nối tuyến mương Phước Huệ chảy về hồ điều hòa, khu vực Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, rồi sau đó thoát ra sông Cái. Tổng chiều dài tuyến cống theo quy hoạch gần 1.200m, đã kiên cố được 1.100m, đoạn còn lại đang vướng giải tỏa 7 hộ.
Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh cho biết, nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang dự kiến khởi công năm 2020, cuối năm 2022 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy có công suất 15.000m3/ngày đêm được xây dựng theo công nghệ mương Oxy hóa. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt loại A phù hợp theo quy chuẩn Việt Nam về nước thải sinh hoạt QCVN 40:2011. 

Theo: Báo Khánh Hòa