Để “hạ nhiệt” điểm nóng phá rừng ở thượng nguồn Dốc Mỏ – suối Hương (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường lực lượng chốt chặn tại đây. Mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ xử lý dứt điểm nạn phá rừng tại khu vực này.
Tăng cường lực lượng chốt chặn
Lâu nay, khu vực rừng thượng nguồn Dốc Mỏ – suối Hương (chủ yếu thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và Công ty TNHH Vạn Hương) luôn là địa điểm mà các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tìm đến. Trước đây, hoạt động vận chuyển lâm sản trái phép tại đây chủ yếu bằng xe đạp, sau khi tuyến đường lâm sinh phòng cháy, chữa cháy rừng được mở từ Dốc Mỏ lên suối Hương thì hoạt động khai thác lâm sản tại đây trở nên rầm rộ hơn, các đối tượng chủ yếu vận chuyển bằng xe gắn máy độ chế. Đặc biệt, từ sau cơn bão số 12 năm 2017 đến nay, nhu cầu sử dụng gỗ làm lồng bè tăng cao đột biến đã khiến cho rừng Dốc Mỏ – suối Hương luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại, cao điểm có cả trăm người lên rừng khai thác gỗ trái phép. Khi lực lượng chức năng tiến hành đóng chốt giữ rừng, nhiều đối tượng đã manh động, chống đối, thậm chí hành hung lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Các đối tượng phá rừng không chỉ có người dân Vạn Bình mà còn có người dân của các xã lân cận.
Ông Đặng Quang Thành – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho hay: “Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của ban có tổng cộng 32 người, phụ trách 2 địa bàn Ninh Hòa và Vạn Ninh nhưng chúng tôi đã bố trí đến 14 người để chốt chặn 24/24 giờ trên tuyến đường Dốc Mỏ – suối Hương. Khi chúng tôi chốt chặn, không cho xe máy lên thì các đối tượng bỏ xe dưới chốt, đi bộ lên rừng, sau đó kéo gỗ xuống, chốt phải dời lên liên tục. Trong quá trình chốt chặn, không ít lần nhân viên bảo vệ rừng bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép gây hấn nhưng nhờ sự kiên trì, phối hợp giữa các lực lượng chức năng của huyện, chính quyền cơ sở nên tình trạng phá rừng tại khu vực này đã giảm nhiều, không còn rầm rộ như năm 2018 và các tháng đầu năm 2019. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lực lượng, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, UBND xã Vạn Bình để tổ chức truy quét, mục tiêu đến cuối năm sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng tại đây”.
Ngoài chốt chặn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, trên tuyến đường Dốc Mỏ – suối Hương còn có chốt chặn của Công ty TNHH Vạn Hương. Theo đại diện đơn vị này, công ty được giao quản lý, bảo vệ 500ha rừng tại khu vực suối Hương để phát triển dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái. Thời gian qua, tình trạng xâm hại rừng khá phức tạp, công ty đã thành lập tổ bảo vệ rừng chuyên trách với 5 người thường trực để tuần tra, chặn bắt các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong lâm phận, đã chuyển một số vụ sang cơ quan kiểm lâm xử lý. Để bảo vệ rừng được tốt hơn cần sự phối hợp giữa các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã.
Tình trạng phá rừng giảm
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Vạn Ninh đã phát hiện, lập biên bản 10 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 4 vụ vi phạm được phát hiện tại khu vực Dốc Mỏ – suối Hương. Hạt Kiểm lâm huyện đã tiến hành xử lý 6 vụ vi phạm, tịch thu gần 10m3 gỗ xẻ hộp các loại, 6 xe gắn máy. |
Theo ông Võ Lục Phẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: “Thời gian qua, UBND huyện đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã trên địa bàn tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó có khu vực trọng điểm Dốc Mỏ – suối Hương. Gần đây, chủ rừng đã thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng được giao; qua tổ chức các đợt tuần tra, truy quét đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã. Trên địa bàn không còn tình trạng xe máy, xe đạp ngang nhiên vận chuyển gỗ; tình trạng phá rừng tại Dốc Mỏ – suối Hương đã giảm hẳn, các đối tượng chỉ còn khai thác lén lút, nhỏ lẻ”.
Một thực tế cần quan tâm là các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực Dốc Mỏ – suối Hương chủ yếu là các hộ khó khăn. Để góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng tại đây, bên cạnh hoạt động truy quét, chốt chặn của các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng thì vấn đề địa phương cần quan tâm là tạo sinh kế cho người dân, nhất là các hộ sinh sống gần rừng. Trong đó, cần quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận các chính sách trồng rừng, bảo vệ rừng đang được triển khai trên địa bàn, từ đó giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định thu nhập, từ bỏ việc phá rừng trái pháp luật.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa