Rà soát toàn bộ quy định liên quan đến tách thửa, phân lô
0
Ngày 4-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, nhất là vấn đề liên quan đến hạn mức tối thiểu tách thửa đất, hiến đất làm đường giao thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Công văn nêu rõ, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 ngày 3-10-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, công tác này trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Cụ thể, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với tình hình thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền không đúng quy định vẫn xảy ra; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên, các vi phạm xảy ra nhưng chưa được xử lý kịp thời. Cá biệt, có địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, môi trường đầu tư, định hướng phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, qua tổ chức thực hiện pháp luật cần kịp thời phát hiện các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, chưa được quy định thống nhất, đồng bộ trong các văn bản, quy định pháp luật để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải tăng cường chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tuyệt đối không được buông lỏng trách nhiệm quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các trường hợp sai phạm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách, tham mưu công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm kể từ sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 22 thì cần được xem xét trách nhiệm kỹ lưỡng, nghiêm minh hơn, xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn.
Lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở. Việc này phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, báo cáo cấp ủy theo đúng quy chế làm việc của từng địa phương; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.
Minh bạch thông tin để tránh “sốt đất ảo”
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản… bằng các hình thức phù hợp, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, phải công bố công khai, minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân biết và thực hiện, góp phần hạn chế việc lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để gây tình trạng “sốt đất ảo” nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cam Lâm xảy ra tình trạng sốt đất ảo. Nguyên nhân do môi giới “bơm thông tin” không chính xác, làm người mua hiểu nhầm. Thực tế, khi tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch dự án nhằm phát triển kinh tế – xã hội tại đây, toàn bộ khu vực quy hoạch dự án sẽ áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất với giá theo quy định, đặc biệt là những khu vực quy hoạch công viên, cây xanh, công cộng. Chính vì vậy, người mua không nên nghe theo những lời có cánh của môi giới, rất dễ lặp lại tình trạng của khu vực Bắc Vân Phong thời điểm năm 2018. Đối với quy định diện tích tối thiểu tách thửa và tình trạng hiến đất làm đường để tách thửa, phân lô, tỉnh đang cho rà soát lại để điều chỉnh các bất cập, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.