Bệnh khảm lá mì đang hoành hành và để lại hậu quả nặng nề cho cây mì ở các tỉnh lân cận. Tại Khánh Hòa, cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh loại bệnh nguy hiểm trên cây trồng này.

Bùng phát bệnh khảm lá mì

Xuất hiện từ tháng 6-2017 với khoảng 30ha ở tỉnh Tây Ninh, đến nay, bệnh khảm lá mì đã lan rộng, gây hại hơn 90% diện tích trồng mì ở Tây Ninh và lan ra các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… Riêng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, tính đến tháng 10-2018, bệnh khảm lá mì đã gây hại hơn 2.000ha ở các tỉnh: Đắk Lắk, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Yên. Tại Ninh Thuận, bệnh khảm lá mì mới phát hiện tháng 8-2018, nhưng chỉ khoảng 2 tháng đã có hơn 400ha bị nhiễm bệnh, tập trung tại 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Ở Gia Lai, chỉ sau khoảng 2 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, đến nay đã có khoảng 130ha mì bị bệnh khảm lá mì tàn phá tại 5 huyện, thị xã.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, chỉ sau hơn 1 năm xuất hiện, bệnh khảm lá mì đã lan rộng đến 12 tỉnh, hơn 36.000ha mì bị nhiễm bệnh.

Tăng cường phòng tránh

Với sự hoành hành của loại bệnh nguy hiểm này, tháng 10-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá mì, làm cơ sở để các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh khảm lá virus hại mì có tên khoa học Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, bệnh lan truyền qua 2 đường là hom giống lấy từ cây bệnh và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng chích hút từ cây bệnh truyền bệnh sang cây khác. Vì thế, khả năng lây lan rất nhanh trên diện rộng. Hiện nay, bệnh này chưa có thuốc đặc trị phòng trừ. Khi bị bệnh, cây mì có lá bị khảm vàng loang lổ, khi nhiễm nặng lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Bệnh gây thiệt hại rất lớn, khi cây còn nhỏ nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch, khi cây lớn nhiễm bệnh sẽ giảm năng suất, chất lượng lên tới 80%. Giống mì nhiễm bệnh nặng nhất hiện nay là HLS11 (đây là giống chưa được công nhận), các giống khác: KM 419, KM 140 bị nhiễm nhẹ hơn.

Bà Trịnh Thị Thùy Linh – Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tuy Khánh Hòa chưa phát hiện bệnh khảm lá mì nhưng thời gian qua, các trạm bảo vệ thực vật đã tiến hành khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền cho người dân các kiến thức liên quan đến bệnh này. Các địa phương cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và đưa ra hướng xử lý quyết liệt nhằm khống chế lây lan. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 4.200ha mì, tập trung ở Khánh Vĩnh, Cam Lâm và Cam Ranh. Các giống được sử dụng như: KM94, KM 140, SM 397-26, KM95… Hiện nay, người dân chuyển qua trồng mì tương đối nhiều, chủ yếu chuyển từ diện tích trồng mía đường kém hiệu quả. Trong khi đó, tình hình nguồn cung cấp giống cho cây mì đang có chiều hướng khan hiếm dần nên không loại trừ khả năng xuất hiện các giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xen lẫn với các giống được xác nhận, giống sạch bệnh. Điều này cùng với việc tình trạng lây lan nhanh bệnh khảm lá mì ở các tỉnh lân cận khiến cho nguy cơ xuất hiện khảm lá mì ở Khánh Hòa rất lớn.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân nhận thức về tác hại của bệnh này, Khánh Hòa đang áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh theo hướng cô lập, tiêu hủy và xử lý sạch mầm bệnh trước khi xuống giống mùa vụ mới; hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống mì đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm mua bán, trồng giống mì HLS11; tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn là môi giới truyền bệnh. Bên cạnh đó, khuyến cáo người trồng mì chuyển sang cây trồng khác hoặc không trồng mì ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh; liên tục rà soát các diện tích trồng mì để kịp thời phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây mì đã nhiễm bệnh làm giống; tăng cường kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các địa phương đang có dịch bệnh về Khánh Hòa.

Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa