Tuy phương án tài chính đã được duyệt năm 2016 nhưng nhà đầu tư vẫn phải thực hiện thu phí tại hầm đường bộ đèo Cả theo Thông tư 35 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Điều này dẫn đến mức thu thấp, trong khi chi phí vận hành cao khiến nhà đầu tư lo ngại gián đoạn việc thu phí tại hầm này.
Hụt 7,3 tỷ đồng mỗi tháng
Ông Lưu Xuân Thủy – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, từ ngày 1-1 đến 1-10, dự án hầm đường bộ đèo Cả bị thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng hụt 7,3 tỷ đồng. Việc hụt thu là do từ khi hầm đèo Cả tiến hành thu phí (từ ngày 3-9-2017) đến nay, nhà đầu tư vẫn phải thu phí theo mức giá quy định của Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT, mức phí này thấp hơn rất nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt. Trong khi đó, suất đầu tư hầm rất lớn, chỉ tính riêng thiết bị trong hầm đã chiếm trên dưới 40% mức đầu tư; quá trình vận hành, khai thác đòi hỏi kinh phí thường xuyên lớn hơn so với suất đầu tư cầu đường BOT khác.
Ngoài ra, hạng mục hầm đèo Cả và đường dẫn hầm Cổ Mã ban đầu được đầu tư theo hình thức BT và BOT. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII phê duyệt bố trí vốn ngân sách khoảng 4.950 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ cấp hơn 3.000 tỷ đồng. Số dư còn lại Chính phủ quyết định mở rộng dự án, đầu tư BOT hầm Cổ Mã và mở rộng hầm Hải Vân, đồng thời cho phép sử dụng nguồn dư còn lại để ưu tiên mở rộng giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý nên giao Chính phủ thu hồi số tiền dư. Việc này cũng gây nên những khó khăn nhất định cho nhà đầu tư.
Cần sớm tháo gỡ
Theo phương án tài chính dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 3107 ngày 5-10-2016 và phụ lục hợp đồng BOT, mức phí áp dụng tại trạm thu phí đèo Cả từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2020 ở mức từ 60.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 1 đến mức 288.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 5. Mức phí hiện nay tại trạm thu phí này từ 52.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 1 đến 200.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 5. |
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, để duy trì hoạt động các hầm cần có nguồn kinh phí chi trả lương, nhân công, nhiên liệu vận hành máy móc thiết bị, tiền điện… “Tuy đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc nhưng suốt thời gian dài chúng tôi chưa được giải quyết, khiến dự án không đủ nguồn thu để duy trì công tác vận hành hầm Cổ Mã, hầm đèo Cả và đường dẫn. Đơn vị e ngại nếu không được giải quyết sớm sẽ dẫn đến gián đoạn thu phí tại hầm đèo Cả. Tuy gặp khá nhiều khó khăn về kinh phí nhưng công ty cũng đã ứng vốn của mình duy trì hoạt động thông suốt hầm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang nỗ lực tập trung nguồn lực để hoàn thành hầm Cù Mông, dự kiến đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm nay và tại hạng mục mở rộng hầm Hải Vân đã khoan được gần 4.000m hầm/6.300m”, ông Lưu Xuân Thủy chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cần nhất lúc này là Bộ GTVT phải nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ mức thu phí cho phương án hoàn vốn dự án hầm đường bộ đèo Cả. Bởi với suất đầu tư lớn, trong khi thu phí lại “cào bằng” giống các dự án BOT đường khác nên có sự bất cập.
MẠNH HÙNG
Theo: Báo Khánh Hòa