Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang chỉ có các khu đô thị mới có hệ thống dây cáp viễn thông, dây điện được ngầm hóa. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, UBND tỉnh đã giao UBND TP. Nha Trang thực hiện đề án xây dựng ngầm đô thị nhằm hướng đến diện mạo văn minh, hiện đại, sạch đẹp.

Đường dây chằng chịt

Cơn bão số 12 vừa qua khiến toàn TP. Nha Trang mất điện, đứt liên lạc ở nhiều khu vực, trong đó có những địa điểm rất khó khắc phục. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề này là do hệ thống dây điện, trụ điện, dây cáp viễn thông được đầu tư không đồng bộ, đan chằng chịt vào nhau. Có những trụ điện gánh hàng chục loại dây, chưa kể các công tơ điện, biến áp…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ngoài ra, theo Ban quản lý Dịch vụ công ích TP. Nha Trang, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường chưa được đồng bộ, dẫn đến tình trạng thường xuyên đào phá vỉa hè, lòng đường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn, chất lượng công trình giao thông cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Việc ngầm hóa đường dây điện, dây cáp thông tin hiện nay còn rất hạn chế. Hầu hết các loại dây dẫn đều lắp lộn xộn, nơi cao, nơi thấp, đan xen chằng chịt làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy hiểm đến an toàn tính mạng con người.

Mới đây, Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco) đã tiến hành khảo sát tình trạng ngầm hóa đô thị ở Nha Trang nhằm phục vụ việc xây dựng đề án ngầm hóa đô thị, quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật TP. Nha Trang. Ông Nguyễn Võ Khoa – Phó Tổng Giám đốc Busadco cho biết, qua khảo sát thống kê, hiện nay, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang quản lý 290km đường dây trung thế trên không, 5.540km đường dây hạ thế trên không, 72km cáp ngầm trung thế, 40km cáp ngầm hạ thế. Đối với khu vực dân cư hiện hữu, lưới điện chủ yếu đi nổi, có hệ thống dây thông tin, chiếu sáng được treo mắc chung với hệ thống các dây dẫn điện trung thế và hạ thế. Các cáp viễn thông được ngầm hóa chủ yếu là trong  khu vực trung tâm thành phố và đô thị mới với tỷ lệ ngầm hóa đạt khoảng 15% (chủ yếu của VNPT). Còn lại hầu hết các doanh nghiệp đều tận dụng trụ điện, cột viễn thông của VNPT hiện có để treo đường dây thông tin, cáp viễn thông, cáp truyền hình nhằm tiết kiệm chi phí.

Đoạn giao nhau đường Lê Hồng Phong và Cao Bá Quát chằng chịt dây cáp viễn thông, dây điện

Đoạn giao nhau đường Lê Hồng Phong và Cao Bá Quát chằng chịt dây cáp viễn thông, dây điện

Thực hiện từng bước

Theo đề xuất của Busadco, thời gian tới, đối với các khu đô thị mới, các tuyến đường đầu tư mới, nâng cấp mở rộng theo quy hoạch, chủ đầu tư phải xây dựng các công trình hạ tầng như: cống, bể kỹ thuật, tuynen kỹ thuật để bố trí đường dây và đường ống sử dụng chung. Đối với các khu đô thị cũ hình thành ổn định thuộc khu trung tâm thành phố, phải có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi. Đối với các khu vực vùng ven thành phố như: Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, Phước Đồng… có thể bố trí đi nổi nhưng phải dùng dây bọc cách điện lưới điện và bó lại lưới viễn thông gọn gàng.

Trong cuộc họp mới đây, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị tư vấn Busadco nghiên cứu hoàn chỉnh lại đề án, trong đó phải đánh giá được những tồn tại trong khu đô thị hiện hữu về quản lý vận hành của đường dây và đường ống kỹ thuật. Những khu đô thị mới đã ngầm hóa nhưng còn tồn tại gì cũng phải làm rõ và đề ra được hướng khắc phục các tồn tại đó. Đơn vị tư vấn cũng phải tham mưu để tỉnh ban hành quy định về việc bố trí đường ống kỹ thuật trong các khu đô thị, trong đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ quy định này. Đối với các khu đô thị cũ phải đưa ra được lộ trình cải tạo cụ thể dựa trên các bằng chứng khoa học.

Tại khu vực trung tâm TP. Nha Trang, Busadco đề xuất 3 loại hình hạ ngầm. Dùng tuynen kỹ thuật có ưu điểm là dễ quản lý vận hành, độ bền cao nhưng chi phí quá lớn, với mức khoảng 36 đến 40 tỷ đồng/km. Dùng hào kỹ thuật có ưu điểm là đảm bảo yêu cầu quản lý vận hành, tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư thấp nhưng hạn chế là khó mở rộng phát triển mạng lưới trong giai đoạn phát triển kéo dài. Dùng bể cống cáp có ưu điểm là giá thành rẻ (2 – 3 tỷ đồng/km), thi công đơn giản, thời gian thi công nhanh nhưng về lâu dài khó phát triển mạng lưới, khó quản lý đồng bộ… Việc áp dụng loại hình hạ ngầm nào tùy thuộc vào mức độ quan trọng của tuyến đường. Busadco cũng phân kỳ đầu tư hạ tầng, cụ thể: giai đoạn 2018 – 2020 sẽ đầu tư các tuyến đường: Trần Phú, Lê Thánh Tôn, Thái Nguyên, Yersin; giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đầu tư các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Lý Tự Trọng… Dự kiến trong giai đoạn 2018 đến 2025 sẽ dùng khoảng 160 tỷ đồng để hạ ngầm các tuyến đường.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, việc hạ ngầm dây điện, cáp thông tin là hết sức cần thiết để xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn và tốn kém ngân sách nhà nước. “Thời gian qua, chúng ta chỉ quan tâm đến quy hoạch trên mặt đất mà quên đi dưới mặt đất cũng cần có quy hoạch bài bản. Tôi nghĩ trước mắt cần phải có quy hoạch chi tiết về hạ tầng đô thị để các chủ đầu tư các khu đô thị sau này dựa vào đó để thực hiện. Đối với việc cải tạo các khu dân cư hiện hữu thì phải nghiên cứu kỹ hiện trạng, phương án thực hiện, ưu tiên thực hiện tuyến phố nào trước…”, ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Võ Khoa – Phó Tổng Giám đốc Busadco cho biết: Việc đầu tư ngầm hóa chỉ nhằm chỉnh trang đô thị, không mang lại hiệu quả kinh doanh và chiếm một khoản chi phí không nhỏ, dẫn đến một số đơn vị vận hành thiếu quyết tâm trong việc ngầm hóa. Mặt khác, hiện nay chưa có cơ chế về nguồn vốn, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngầm nên chưa thu hút được nhà đầu tư để ngầm hóa mạng lưới dây điện, dây cáp viễn thông.

VĂN KỲ

Theo: Báo Khánh Hòa