Từ ngày 11 đến 13-9, ông Lê Xuân Thân – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì các buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, một số sở, ngành và địa phương về việc triển khai Luật Đầu tư công giai đoạn 2015 – 2018. Qua làm việc, các đơn vị đã nêu ra nhiều vướng mắc khi thực hiện luật này.
Gặp khó bởi luật
Luật Đầu tư công ra đời và có hiệu lực từ tháng 1-2015, với mục đích quản lý đầu tư công một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện đã có nhiều bất cập phát sinh. Ông Vũ Chí Hiếu – Trưởng phòng Tài chính UBND TP. Nha Trang phản ánh: “Luật Đầu tư công yêu cầu khi đầu tư phải thực hiện quá nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết. Nhiều quy định không phù hợp với thực tế dẫn tới việc bố trí vốn chậm. Ngoài ra, nhiều dự án có tổng vốn chưa tới 1 tỷ đồng cũng phải làm các hồ sơ, báo cáo và thực hiện trình tự như các dự án vài chục tỷ đồng. Làm như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, dẫn tới chậm trễ trong tiến độ thực hiện…”.
Theo ông Nguyễn Bé – Phó Giám đốc Sở Tài chính, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn đã tạo nên nền tảng lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Song, thực tế cho thấy một số văn bản ban hành khá muộn, nhiều văn bản chỉ mang tính chất điều hành, xử lý tình huống thực tiễn phát sinh. Điều này khiến cho việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn bị hạn chế, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch bị lúng túng. Luật cũng quy định, điều kiện các dự án được bố trí vốn là dự án được phê duyệt về mặt chủ trương. Tuy nhiên, ở các địa phương, HĐND chỉ họp 2 lần/năm, vì vậy việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của HĐND khá bị động.
Các địa phương cũng phản ánh về nhiều bất cập khác liên quan đến Luật Đầu tư công. Cụ thể, việc một dự án ở cấp xã đã được cấp huyện phê duyệt nhưng vẫn phải thông qua HĐND cấp xã. Điều này vừa hình thức, vừa vô lý, gây mất thời gian cho việc thực hiện dự án. Hoặc một dự án nhưng phải chịu sự thẩm định của nhiều cơ quan chuyên môn nên gây khó khăn khi thực hiện. Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Hiện nay, một số dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng nhưng tỷ lệ rất nhỏ (chỉ chiếm 1 đến 5% tổng mức đầu tư) như: xây dựng, sửa chữa đài truyền thanh, xây dựng mạng thông tin… đang gặp nhiều khó khăn. Bởi tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công vẫn phân loại dự án này có cấu phần xây dựng nên phải lấy ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Làm như vậy gây mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục để tiến hành dự án”.
Cần điều chỉnh
Qua đánh giá, các sở, ngành và địa phương đều cho rằng cần phải sửa đổi, điều chỉnh lại một số quy định của Luật Đầu tư công để phù hợp với thực tế. Hiện nay, những vướng mắc trong quá trình triển khai luật liên quan đến 3 nhóm vấn đề, gồm: đối tượng dự án; trình tự, thủ tục; những vấn đề còn chưa thống nhất giữa các luật liên quan đến đầu tư công. Phản hồi từ các sở, ngành, địa phương cho thấy, nhóm liên quan đến trình tự, thủ tục gặp nhiều vướng mắc nhất. Chẳng hạn, trình tự, thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, trong đó khâu thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chưa được quy định rõ ràng, trong một số trường hợp đã tạo ra “vòng luẩn quẩn” trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Luật quy định dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư mới được bố trí vốn, trong khi việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn lại là điều kiện bắt buộc để ra quyết định chủ trương đầu tư. Trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án; tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình, dự án dù đã được quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư công và Nghị định 136/2015 của Chính phủ nhưng lại chưa quy định cụ thể đối với việc tăng tổng mức đầu tư từ phân loại dự án nhóm C lên nhóm B, nhóm B lên nhóm A và ngược lại… Điều này có thể dẫn tới tình trạng lách luật, né tránh các thủ tục của dự án nhóm trên, ảnh hưởng đến việc thẩm định, giám sát, có thể gây lãng phí, thất thoát vốn.
Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Luật Đầu tư công ra đời với mong muốn quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Nhiều dự án ODA hiện nay chưa triển khai được bởi những bất cập của Luật Đầu tư công. Có dự án đã vay vốn nhưng vì không thực hiện nên vẫn phải chịu lãi. Bên cạnh đó, một số quy định cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ như vấn đề giám sát cộng đồng chỉ phù hợp với việc giám sát những công trình nhỏ ở nông thôn, còn những công trình lớn như đường cao tốc thì cộng đồng làm sao đủ trình độ để giám sát?…”.
Ông Lê Xuân Thân thừa nhận, trong Luật Đầu tư công còn nhiều quy định chồng chéo và việc giám sát cộng đồng còn nhiều khó khăn. Luật cũng có nhiều quy định rất rườm rà, hình thức và không khả thi khiến tiến độ dự án bị chậm. “Qua báo cáo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành cho thấy Luật Đầu tư công đã bộc lộ quá nhiều bất cập, cần sửa đổi. Chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị để gửi tới Quốc hội nhằm sớm có những điều chỉnh phù hợp cho Luật Đầu tư công”, ông Lê Xuân Thân cho biết.
ĐÌNH LÂM
Theo: Báo Khánh Hòa