8 tháng, doanh số cho vay của ngành Ngân hàng toàn tỉnh đạt 101.774 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 28,88%. Đến cuối tháng 8, tín dụng tăng trưởng 12,04%, dự báo đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm 2018.

Tăng trưởng huy động vốn thấp

Đến cuối tháng 8, huy động vốn toàn tỉnh đạt 78.090 tỷ đồng, tăng 4.258 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 5,77%), tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay toàn ngành đạt 74.550 tỷ đồng, tăng 8.011 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 12,04%), tăng 22,49% so với cùng kỳ năm trước. Vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên chiếm 49,69% tổng dư nợ. Nợ xấu của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức thấp với tỷ lệ nợ xấu là 0,61%, phản ánh chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Giao dịch tại Agribank Khánh Hòa.

Giao dịch tại Agribank Khánh Hòa.

Tuy tổng nguồn vốn huy động vẫn cao hơn tổng dư nợ cho vay nhưng tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động bắt đầu bộc lộ khoảng cách chênh lệch lớn từ năm 2017 với mức tăng trưởng huy động đạt 16%, trong khi tăng trưởng tín dụng đến 29,06%. Nguyên nhân tác động đến hoạt động huy động vốn của ngành Ngân hàng thời gian qua là do các ngân hàng phải tiếp tục cạnh tranh vốn với thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong bối cảnh nguồn vốn lớn đổ vào các thị trường này, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động; tiếp tục đa dạng sản phẩm huy động vốn; đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi huy động tiết kiệm; có chính sách chăm sóc khách hàng… để thu hút tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư nhưng tốc độ tăng trưởng không như kỳ vọng.

Sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Theo bà Võ Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Vietcombank Khánh Hòa, thời gian qua, chi nhánh tăng nguồn vốn cho kênh bán lẻ, đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với những gói ưu đãi lãi suất chủ yếu tập trung cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, Vietcombank Khánh Hòa huy động vốn đạt gần 8.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt gần 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản sinh lời gần 18.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra của quý III. Với chỉ tiêu dư nợ cho vay được giao cho chi nhánh năm 2018 là 10.150 tỷ đồng, Vietcombank Khánh Hòa phấn đấu đến ngày 30-10 sẽ hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Từ nay đến cuối năm, ngoài tập trung thực hiện 2 mục tiêu quan trọng là tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, Vietcombank Khánh Hòa tập trung cho phát triển kênh khách hàng mới và các dịch vụ tiện ích. Đại diện BIDV Khánh Hòa cũng cho biết, tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng với tín dụng tăng 19% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế đạt 79% kế hoạch năm.

Như thường lệ, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. Dự báo, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, ngành Ngân hàng sẽ hoàn thành và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2018 là 18 – 20%. Ông Nguyễn Hoài Chiểu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, ngành tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 12 năm 2017. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các chi nhánh tổ chức tín dụng; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống; kiểm soát nhu cầu vay bằng ngoại tệ phù hợp với chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính…

NAM DU


Hiện nay, lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 0,1 – 1%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng 4,1 – 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 5,1 – 6,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 6,8 – 7,8%/năm.

Lãi suất cho vay VND: lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên: ngắn hạn 6 – 6,5%/năm, trung và dài hạn 6,5 – 10%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác: ngắn hạn 7,5 – 10,5%/năm, trung và dài hạn 10 – 11,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 3 – 4%/năm, trung và dài hạn 4 – 6,5%/năm.


Theo: Báo Khánh Hòa