Con mương nội đồng ngăn mặn phục vụ sản xuất cho tổ dân phố (TDP) Phong Phú 2, phường Ninh Giang có chiều dài khoảng 2km, trong đó đoạn cuối mương dài khoảng 500m chảy ra đầm Nha Phu đã bị sạt lở nghiêm trọng gần 2 năm nay. Do sạt lở, nước mặn tràn vào ruộng lúa làm ảnh hưởng lớn đến việc trồng trọt của người dân.

Ông Nguyễn Hữu – TDP Phong Phú 2 cho biết, nhà ông có 1.620m2 đất ruộng nằm ở khu vực này. Do mặt mương bị sạt lở, thấp, nước mặn thường tràn vào ruộng nên trồng lúa không được. Có vụ, sáng ông vừa mới sạ, chiều nước mặn tràn vào làm mạ chết hết, ông phải mướn công sạ lại. Những ruộng lúa nằm gần mương này, chi phí đầu tư lúc nào cũng cao gấp đôi so với các ruộng lúa khác. Tháng 11 năm ngoái, ruộng lúa của gia đình ông đang trổ, nước lên kéo theo nước mặn tràn vào phải gặt sớm, thu được hơn 250kg lúa nhưng bán không ai mua do hạt bị lép.

Đoạn mương bị sạt lở.

Đoạn mương bị sạt lở.

 
Gia đình ông Hữu vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ khác. Theo bà Phạm Thị Bé – TDP Phong Phú 2, gia đình bà có thửa ruộng với diện tích 740m2 nằm sát đoạn mương, những năm trước còn trồng được lúa do bờ mương cao, ngăn được nước mặn. 2 năm gần đây, từ khi mương sạt lở, xuống cấp, gia đình bà phải bỏ hoang do ruộng bị nước mặn xâm nhập nhiều, các thành viên trong gia đình phải đi làm thuê, làm mướn để sống.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo người dân ở đây, tổng diện tích ruộng lúa bị ảnh hưởng do đoạn mương bị sạt lở, xuống cấp khoảng 10ha, trong đó có khoảng 2ha phải bỏ hoang do không thể trồng trọt được. Nguyên nhân là do đoạn mương trên được làm bằng đất, lại nằm ở vùng trũng. Mỗi mùa mưa, lũ, nước ở các con mương của phường đổ về, cùng với nước mặn tràn vào làm cho khu vực này bị ảnh hưởng. Nhất là sau cơn bão số 12 năm 2017, tình trạng sạt lở ở đoạn mương này càng nghiêm trọng. Người dân mong muốn chính quyền các cấp sớm xem xét, đầu tư mương kiên cố để yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nhi – Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết, phường có 3 tuyến mương ngăn mặn nằm ở TDP Phú Thạnh (chiều dài 4km), Ninh Thành (6km) và tuyến đồng cây Keo – đồng Ông Sầm phục vụ sản xuất cho các ruộng lúa ở TDP Phong Phú 2 (2km). Cả 3 tuyến mương đều xuống cấp, tuy nhiên tuyến mương phục vụ cho sản xuất ở TDP Phong Phú 2 bị nặng nhất, do đây là vùng rốn chứa và thoát nước trước khi đổ ra đầm Nha Phu, nhất là đoạn cuối giáp phường Ninh Hà. Hàng năm, ở đoạn mương này, UBND phường đều tổ chức nạo vét, khơi thông dòng. Riêng năm 2016, địa phương cho múc đất gia cố chặt lại 2 bên bờ. Tuy nhiên, do nằm cuối đường mương nên đất ở đây thường bị sạt lở, làm được 2 – 3 vụ lúa, mưa xuống đất lại trôi hết. Việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, do đoạn mương nằm giữa đồng, không có đường đi để vận chuyển vật liệu. Với những khó khăn của người dân, địa phương đã có kế hoạch sẽ sửa chữa theo hướng làm đường nội đồng bằng đất với đá kết hợp làm bờ mương ngăn mặn. Phương thức đầu tư từng đoạn, trong nhiều năm. Theo đó, chiều rộng của tuyến đường khoảng 3m, chiều cao khoảng 1m. Dự kiến, tổng kinh phí làm hết tuyến khoảng 3 tỷ đồng. Trong năm nay, sẽ ưu tiên triển khai mở đường, làm cống qua mương để vận chuyển vật tư đến những đoạn mương bị sạt lở nhiều. Cùng với đó, để đảm bảo chất lượng công trình được sử dụng lâu dài, hàng năm, phường sẽ cho tu bổ thường xuyên.

Theo lãnh đạo thị xã Ninh Hòa, tuyến mương ngăn mặn trên khá dài. Việc người dân kiến nghị đầu tư bằng bê tông cốt thép cần nhiều kinh phí nên thị xã tiếp thu và sẽ trình UBND tỉnh xem xét.

C.ĐAN
 

Theo: Báo Khánh Hòa