Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ phong trào này, các hội viên (HV) nông dân đã phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ để phát triển SXKD, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Nhiều mô hình hiệu quả
Ông Cao Đinh – Chủ tịch HND xã Sơn Lâm cho biết, để nâng cao hiệu quả phong trào, hội đã triển khai mô hình nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ HV gặp khó khăn; đồng thời thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng (30 thành viên), Tổ hợp tác trồng và chăm sóc bưởi (17 thành viên) để các thành viên hỗ trợ nhau về cây con giống, khoa học – kỹ thuật, tìm đầu ra. Điển hình như hộ ông Mai Văn Khang (thôn Cam Khánh) có diện tích hơn 10ha trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, bưởi, măng cụt…), mỗi năm thu lãi bình quân 2 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng; giúp đỡ nhiều hộ về kỹ thuật chăm sóc sầu riêng. Ông Khang cũng đứng ra tìm các đầu mối tiêu thụ nông sản cho các thành viên trong tổ; bản thân ông đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền.
Hiện nay, những HV, nông dân người dân tộc thiểu số có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã phổ biến ở Khánh Sơn. Hộ ông Cao Văn Hùng (thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam) trồng sầu riêng hiệu quả là một ví dụ. Ông Cao Văn Hùng là một trong những hộ đầu tiên tại xã Ba Cụm Nam trồng sầu riêng từ 8 năm trước. Đến nay, gia đình ông đã có 100 cây sầu riêng và 60 cây bưởi da xanh. Trong đó, 40 cây sầu riêng đã cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh những loại cây trồng quen thuộc, khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân tại Khánh Sơn đã tìm tòi và đưa vào sản xuất những giống cây trồng mới. Nổi bật như mô hình trồng dâu tây trong nhà màng của hộ bà Trần Thị Phương (thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam). Bà Phương cho biết, gia đình bà thực hiện mô hình trồng dây tây được 2 năm, với diện tích 300m2 nhà màng; mỗi tháng thu hoạch khoảng 20kg, giá bán 200.000 – 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình và còn bán cây giống và chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong huyện để nhân rộng mô hình này.
Theo ông Mấu Xuân Hạnh – Chủ tịch HND huyện Khánh Sơn, phong trào nông dân SXKD giỏi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Năm 2020, toàn huyện có 3.174 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, tăng 486 hộ so với năm 2019. Trong đó, cấp Trung ương 28 hộ (tăng 12 hộ), cấp tỉnh 146 hộ (tăng 16 hộ), cấp huyện 658 hộ (tăng 186 hộ)…
Những giải pháp hỗ trợ
Thời gian qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã tăng cường hỗ trợ người dân về khoa học – kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2020, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 45 lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn HV, nông dân, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP; phối hợp với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình cung ứng 44 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hàng nghìn cây giống trả chậm cho HV, nông dân. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập 2 hợp tác xã, 24 tổ hội nghề nghiệp để nông dân hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra cho nông sản.
Đến cuối năm 2020, toàn huyện có gần 1.300 HV, nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (dư nợ gần 57 tỷ đồng) để đầu tư các mô hình SXKD, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện có 28 HV được vay 575 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Ông Mấu Xuân Hạnh cho biết, năm 2021, hội tiếp tục tập trung hỗ trợ HV, nông dân về kỹ thuật, nguồn vốn; nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể; duy trì mô hình hộ sản xuất giỏi giúp đỡ hộ gặp khó khăn cùng phát triển. Đồng thời, hỗ trợ, vận động HV, nông dân tham gia phiên chợ nông sản kết nối cung cầu giữa các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
ĐINH LUẬN
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202103/khanh-son-hieu-qua-tu-phong-trao-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi-8211239/