Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng cao, trong khi giá một số nông sản giảm mạnh, khiến việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Dương Văn Thuyền – người trồng bưởi tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, trong khi giá bưởi lại giảm sâu đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Trước Tết, giá phân NPK tổng hợp bao 50kg đã tăng thêm từ 50.000 đến 70.000 đồng/bao; phân kali tăng 30.000 – 40.000 đồng/bao. Tuy nhiên, mới đây, giá phân bón lại tiếp tục tăng nhiều so với trước Tết. “Tôi có gần 15ha bưởi da xanh, trung bình mỗi tháng bón phân 1 lần hết hơn 2 tấn. Với giá phân bón như hiện nay, mỗi tháng, gia đình tôi phải tăng thêm mấy triệu đồng, trong khi giá bưởi giảm sâu, chỉ 15.000 – 16.000 đồng/kg. Tôi đang cố bón lót thêm các loại phân gà, phân bò nhưng không hiệu quả nên vẫn phải mua thêm phân bón”, ông Thuyền nói.
Gia đình ông Phạm Đắng (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) trồng hơn 4 sào hành. Do giá hành xuống thấp trong khi giá phân bón tăng cao nên vụ này gia đình ông lỗ gần 50 triệu đồng. Mọi năm, thu hoạch hành xong ông vào vụ trồng dưa, các loại đậu ngay, nhưng hiện nay, giá phân bón tăng cao nên ông đang tính toán lại chi phí sản xuất. Ông Phạm Đắng cho biết: “Giá phân bón ở đại lý cấp 1 tăng khoảng 10% thì đến người dân phải tăng lên 20%. Những người mua nợ phân bón đến cuối vụ mới trả tiền còn cao hơn. Cụ thể, phân đạm Phú Mỹ mua tại đại lý ở trung tâm thị xã Ninh Hòa hiện có giá 450.000 đồng/bao 50kg, nhưng khi về đại lý trên địa bàn xã đã tăng lên 550.000 – 600.000 đồng/bao. Cộng thêm chi phí mỗi bao phân ghi nợ trong vòng 6 tháng tăng thêm 80.000 – 90.000 đồng/bao”.
Nông dân huyện Vạn Ninh chưa kịp vui mừng vì vụ lúa đông xuân năm nay vừa được mùa, vừa được giá thì lại lo lắng khi giá phân bón liên tục tăng. Ông Nguyễn Văn Tư (xã Vạn Phú) cho biết, gia đình ông có 2ha lúa. Nhờ chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt hơn 70 tạ/ha. Với giá lúa từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg nên trừ chi phí gia đình ông lãi khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha. Tuy vậy, ông đang lo lắng khi giá phân bón tăng quá cao khi vụ lúa hè thu sắp tới, bởi đây là vụ lúa nông dân cần sử dụng nhiều phân bón nhất trong năm.
Qua tìm hiểu của phóng viên ở một số đại lý phân phối phân bón, do yếu tố mùa vụ nên năm nào cũng vậy, từ tháng 11 năm trước đến đầu năm sau, giá phân bón đều tăng, nhưng năm nay giá phân bón tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Từ đầu tháng 11-2020 đến nay, giá phân bón đồng loạt tăng mạnh, có loại tăng lên 2.000 đồng/kg so với trước đó. Tuy giá phân bón tăng cao nhưng do nhu cầu sản xuất nên sức mua không có gì thay đổi. Hiện nay, giá phân Ure trong nước tại các đại lý dao động 9.000 – 9.400 đồng/kg, tương đương 450.000 – 470.000 đồng/bao 50kg, tăng khoảng 25% so với đầu tháng 11-2020; phân NPK khoảng 12.000 đồng/kg, tương đương 600.000 đồng/bao, tăng khoảng 50.000 đồng/bao; giá phân kali tăng ít nhất, từ 360.000 đồng tăng lên 380.000 đồng/bao 50kg, tăng mạnh nhất chính là phân DAP và Ure nhập khẩu. Trong khoảng thời gian nói trên, giá phân DAP Hàn Quốc tăng từ 14.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; DAP Trung Quốc tăng từ 10.000 đồng/kg lên gần 15.000 đồng/kg (tăng gần 50%); giá phân Ure từ 9.000 đồng/kg tăng lên 10.000 đồng/kg. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Không chỉ tăng giá bán, một số loại phân bón nhập khẩu đang khan hiếm hàng.
Ông Kiều Xuân Bông – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Phú Khánh cho biết, giá phân bón trong nước tăng mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới đã tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2020 sau thời gian suy thoái. Cùng với đó, những tháng qua, giá cước tàu biển và container tăng chóng mặt cũng làm giá cả tăng lên. Đối với giá phân bón trong nước như Ure và NPK, nguyên nhân tăng giá do nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm và tăng giá. Một nguyên nhân nữa, phần lớn phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng nước này đang siết chặt xuất khẩu phân bón đến Việt Nam dẫn đến giá phân bón trên thị trường tăng mạnh.
KHÁNH HÀ
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/thi-truong/202103/gia-phan-bon-tang-cao-8211237/