Ngày 14/3, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 đã tổ chức lễ tưởng niệm 31 năm trận hải chiến tại đảo Gạc Ma và tri ân, tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988.

Năm nay, lễ đài tưởng niệm làm thành mô hình con tàu HQ 604, phía trên chở 64 bảng tên của các chiến sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Gạc Ma. Giữa đài tưởng niệm là vòng hoa với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma – Trường Sa ngày 14/3/1988”.

Thân xác con tôi đã hóa thành nước biển

Những người mẹ của các chiến sĩ Gạc Ma năm xưa đều đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Dẫu vậy, cứ đến ngày 14/3 hàng năm, họ lại về Đà Nẵng để thắp nén hương thơm, thả vòng hoa xuống cửa biển tưởng nhớ.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Mẹ Lê Thị Muộn (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết ngày 14/3/1988 họng súng quân thù đã cướp đi tính mạng anh Phan Văn Sự (con trai mẹ Muộn) cùng 63 chiến sĩ hải quân khác trong trận hải chiến gạc Ma.

Mẹ cho biết anh Sự lúc đó mới 21 tuổi, đang học lớp 10 thì nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ.

Hai chien Gac Ma: Than xac cac anh da hoa thanh nuoc bien hinh anh 1
Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 tổ chức lễ tưởng niệm 31 năm trận hải chiến tại đảo Gạc Ma. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Ngày 14/3/1988, Sự cùng 63 chiến sĩ kiên cường giữ đảo rồi tất cả bỏ mình nơi miền nước lạnh. Từ đó đến nay, cứ đến ngày này tôi lại khắc khoải nhớ con và luôn mơ thấy nó trở về”, mẹ Muộn nói.

Mẹ Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc (quê huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mếu máo khi thấy dòng tên con: “31 năm rồi, thương quá con ơi. Tôi nhớ con tôi quá. Đi từ đó tới nay không chịu về…”.

Theo lời mẹ Lan thì Nguyễn Hữu Lộc là người con rất hiếu thảo. Trước khi nhập ngũ, anh vừa học vừa tranh thủ ngày chủ nhật đi bán kem phụ ba mẹ nuôi các em. Có buổi rảnh rỗi, anh theo cha đi bắt cá, mò ốc ở cái hồ mà bây giờ là Đài Tưởng niệm thành phố.

“Ngày thường, mẹ (vốn là một công nhân môi trường) đi gom rác nó cũng đòi đi theo phụ mẹ”, mẹ Lan nhớ lại.

Mẹ Lan cho biết khi anh Lộc nhập ngũ mọi người chỉ biết căn dặn con  trai cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Khi còn huấn luyện ở Hội An, thi thoảng anh Lộc được đơn vị cho về thăm gia đình.

“Đến Tết năm 1988, nó báo tin sẽ đi vô Cam Ranh để ra đảo làm xây dựng. Khi vô đó nó viết thư về hỏi thăm gia đình và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. Tui không ngờ đó là lần cuối cùng nó viết thư về nhà”, mẹ Lan gạt nước mắt.

Mùa xuân năm 1988, anh Lê Thế (con trai bà Trần Thị Huệ, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện tân binh, anh được điều động về Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 (Quân chủng Hải quân).

Bà Huệ cho biết Tết Nguyên đán năm 1988, anh Thế từ biệt gia đình cùng đồng đội nhận lệnh vào Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau đó, các chiến sĩ tham gia Lữ đoàn 146 ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm theo chiến dịch CQ-88.

Hai chien Gac Ma: Than xac cac anh da hoa thanh nuoc bien hinh anh 2
Thân nhân các liệt sĩ nhận bài vị của con mình. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trước lúc lên tàu, chàng trai lần đầu xa nhà viết thư về cho gia đình. Anh kể về những câu chuyện nho nhỏ, lên dự định cho tương lai, không quên dặn mẹ giữ gìn sức khỏe, và hẹn ngày trở về Đà Nẵng.

“Ngờ đâu chỉ ít ngày sau, tôi nhận tin con hy sinh ngoài Gạc Ma”, mẹ Huệ nghẹn ngào.

Hoa đăng gửi tới Gạc Ma

Đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm, đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn 83 Quân chủng Hải quân) cho biết sự kiện ngày 14/3/1988 chỉ là đỉnh điểm của một chiến dịch mà kịch bản đã được Trung Quốc tính toán, triển khai nhằm thực hiện quyết tâm chiếm quần đảo Trường Sa.

“Ngày 14/3/1988 lực lượng hải quân Trung Quốc bắn cháy, bắn chìm tàu của Việt Nam. Chúng còn bắn lực lượng hải quân, công binh đang xây dựng và bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma… Lực lượng hải quân Việt Nam đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, đại tá Lập nhấn mạnh.

Hai chien Gac Ma: Than xac cac anh da hoa thanh nuoc bien hinh anh 3
Mẹ thân nhân liệt sĩ òa khóc vì nhớ con. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo lời đại tá Lập, trong trận chiến không cân sức ấy 64 chiến sĩ của hải quân đã anh dũng hy sinh, 11 đồng chí bị thương và 9 người bị Trung Quốc bắt.

“Nhưng chúng ta đã giữ được 2 đảo Cô Lin và Len Đao và đã dựng nên một vòng tròn bất tử, khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, không ai có quyền xâm phạm”, đại tá Lập nói.

“Xin nghiêng mình trước 64 liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ từng tấc đất sải biển của Tổ quốc. Chúng ta xin thề trước những thế hệ đã ngã xuống, đồng thời nhắn gửi thế hệ mai sau tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, kiên quyết đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù nhằm phá hoại nền độc lập tự do của Tổ quốc”, đại tá Lập nhấn mạnh.

Theo: Zing News