Những tháng gần đây, giá phòng khách sạn ở Nha Trang được các doanh nghiệp (DN) đua nhau giảm sâu. Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường du lịch, mà chính các DN lưu trú còn tự làm khó mình.

Giá giảm từ 30 đến hơn 70%

Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “phòng khách sạn Nha Trang giá rẻ”, kết quả có rất nhiều hạng khách sạn từ bình dân đến cao cấp đang giảm giá ở mức cực sâu. Chẳng hạn, ở loại phòng dành cho 2 người, giá khách sạn dưới 3 sao đang được chào bán với mức 100.000 – 300.000 đồng/đêm. Đối với khách sạn từ 3 sao trở lên có giá từ 300.000 đồng đến khoảng 2,5 triệu đồng/đêm. Đây là mức giá khách hàng có thể tìm được phòng khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố, gần biển. So với bình thường thì những mức giá nêu trên đã giảm từ 30 đến 71% tùy theo từng khách sạn. Có khách sạn 4 sao trên đường Biệt Thự đưa giá niêm yết hơn 2,8 triệu đồng/đêm, nhưng giá bán chỉ hơn 1,2 triệu đồng/đêm. Thậm chí có khu resort 5 sao đưa giá niêm yết 8 triệu đồng/đêm, nhưng giá bán chỉ hơn 2,4 triệu đồng/đêm. Đây là mức giá dành cho đối tượng khách lẻ được các khách sạn gửi bán trên các trang mạng. Còn với khách đoàn, mức giá hợp đồng nhiều khả năng còn thấp hơn. “Giá cho khách đoàn bao giờ cũng thấp hơn khách lẻ, nhất là trong tình trạng hiện nay, các công ty lữ hành chuyên đưa khách Trung Quốc đến thường ký hợp đồng và lấy số lượng phòng lớn trước 6 tháng thực sự là miếng bánh hấp dẫn để các khách sạn tìm mọi cách để ký kết”, giám đốc điều hành một khách sạn ở đường Hoàng Diệu cho biết.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đến cuối năm 2018, Nha Trang – Khánh Hòa có khoảng 750 cơ sở lưu trú (tăng 50 cơ sở so với năm 2017) với số lượng hơn 40.000 phòng. Tuy vậy, lượng khách đến không tăng cùng mức. Vì thế, công suất sử dụng buồng phòng trung bình chỉ đạt 43,3%, trong đó khách sạn 3 đến 5 sao đạt 52%, hạng 1 đến 2 sao chỉ đạt 26%. Tình hình trên buộc các khách sạn phải giảm giá sâu. Điều này vừa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vừa khiến môi trường du lịch bất ổn khi DN lữ hành giữ thế cửa trên để ép DN lưu trú. Nếu tình trạng này kéo dài, các DN lưu trú chắc chắn sẽ bị thiệt.

Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Nha Trang - Khánh Hòa.

Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Nha Trang – Khánh Hòa.

Chỉ doanh nghiệp mới tự giải quyết vấn đề

Với tình trạng trên, Sở Du lịch, Sở Tài chính và các địa phương đã tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, các DN đều từ chối cung cấp giá đã ký kết với các công ty lữ hành, đối tác. Thậm chí, cộng đồng DN kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn chưa thống nhất khẳng định việc có hay không tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá phòng giữa các DN. Do đó, đoàn kiểm tra không thể xác định được có hay không hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh.

Theo ông Lâm Duy Anh Cường – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, tình trạng hạ giá phòng để thu hút khách giữa các khách sạn là có. Vì thế, chính quyền cần có sự can thiệp để bình ổn lại tình hình. Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Cúc – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Luật Cạnh tranh (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) sẽ cấm cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh trên thị trường. Chính vì thế, câu chuyện về giá phòng khách sạn vẫn phải do chính các DN tự quyết định. Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa có thể thuê đơn vị tư vấn xác định mức giá sàn để từ đó làm cơ sở cho các DN tham khảo.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, theo quy định về giá dịch vụ thì các DN tự đăng ký mức giá cho mình và cơ quan tài chính chỉ đi kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nếu bán cao hơn mức giá đăng ký thì thực hiện việc xử phạt theo quy định. Pháp luật không cấm bán thấp hơn giá đăng ký.

Theo ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, vấn đề hạ giá phòng khách sạn không phải là chuyện mới. Hiện nay, số lượng phòng khách sạn, căn hộ du lịch tăng một cách đột biến và nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng khách nên dẫn tới công suất phòng giảm. Điều đó khiến cho các khách sạn hạ giá phòng bất thường gây nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì chính quyền không thể can thiệp vào việc kinh doanh của các DN. Vì thế, chính các DN mới giải được bài toán này. Hiệp hội Du lịch có thể xây dựng bảng giá cho các DN; các sở trong phạm vi quyền hạn sẽ hỗ trợ tối đa cho hiệp hội để tạo điều kiện cho các DN tự giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh này.

Giang Đình