6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực khi các vụ vi phạm và số tiền xử lý vi phạm hành chính đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần có cơ chế xử lý.
Số vụ vi phạm giảm
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh kinh tế, chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định. Giá cả thị trường tương đối ổn định, hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ diễn ra bình thường, môi trường kinh doanh thông thoáng. Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc nổi cộm xảy ra trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
6 tháng, các lực lượng chức năng đã phát hiện 1.180 vụ, trong đó có 243 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 679 vụ gian lận thương mại; hơn 240 vụ hàng giả, hàng khác, 12 vụ vi phạm phải xử lý hình sự… Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 77,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chuyển biến tích cực khi các vụ vi phạm và số tiền xử lý vi phạm hành chính đều có xu hướng giảm (giảm 375 vụ vi phạm, số tiền xử phạt giảm hơn 79 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực quản lý thị trường giảm gần 50% số vụ vi phạm, giảm 30% lượt kiểm tra; lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh chưa phát hiện các dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa; lĩnh vực thông tin và truyền thông chưa phát hiện các vi phạm về tàng trữ hoặc phát hành lịch bloc in, sao lậu… Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm cũng nổi lên một số vụ vi phạm tiêu biểu như: phát hiện và tịch thu 3.318 chiếc đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam; tạm giữ 60.000 lít dầu D
O không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 12 vụ việc khởi tố hình sự liên quan đến vận chuyển ma túy…
Tập trung các địa bàn trọng điểm
Theo các ngành chức năng, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp lễ, Tết. Hàng hóa, dịch vụ, giá cả thị trường sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như: điều chỉnh tăng lương tối thiểu, điện, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường… Bên cạnh đó, lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách, các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động hơn. Thực tế, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, các ngành chức năng của tỉnh cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu. Hành vi vận chuyển xăng dầu trong khu vực biên giới, từ khu vực biên giới vào nội địa không đúng quy định nhưng chưa có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, hiện nay, có một số công ty, doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử để mua bán xăng dầu nên ít nhiều gây khó khăn cho lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh trong kiểm tra, kiểm soát.
Ông Vĩnh Thông – Giám đốc Sở Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, những tháng cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý đối với các địa bàn trọng điểm như: TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, đặc biệt là Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong… Các ngành cũng sẽ chú trọng mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp; công tác quản lý các dịch vụ phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài (về xuất xứ hàng hóa, thuế, giá, chất lượng hàng hóa sản phẩm), hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, thuốc lá nhập lậu… Bên cạnh hoạt động đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển, các ngành sẽ có giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập – tái xuất xăng dầu trên đường bộ từ Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong qua Tây Nguyên sang Lào và Campuchia; quản lý về giá, thuế, ngoại tệ…
MAI HOÀNG
Theo: Báo Khánh Hòa