Những năm gần đây, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có chuyển biến. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và người lao động đã chủ động trong việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ của các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến về nhiều mặt. Các DN chú trọng cải thiện điều kiện lao động bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới; nghiêm túc kiểm định, đăng ký sử dụng các thiết bị có yêu cầu cao về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ. Các chế độ, quyền lợi cho công nhân như: huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp, thực hiện giờ làm việc nghỉ ngơi, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… ngày càng được thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, DN về ATVSLĐ; riêng năm 2017, đã thanh tra, kiểm tra hơn 100 DN. Từ đó, từng bước chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót để DN thực hiện nghiêm túc hơn. Song song đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho hơn 10 DN. Các DN tự chủ động huấn luyện ATVSLĐ dưới sự giám sát của các ngành chức năng cho hơn 56.600 người lao động; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho hơn 103.500 người lao động. Đặc biệt, các DN đã dành hơn 65,5 tỷ đồng để xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ, trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và việc thực hiện các chế độ, chính sách dành cho người lao động được các DN nghiêm túc thực hiện. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào. Tuy nhiên, trong năm 2017, toàn tỉnh vẫn còn xảy ra 174 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết và 32 người bị thương (năm 2016, tai nạn lao động làm 11 người chết và 129 người bị thương). Các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở các DN vừa và nhỏ, tập trung ở lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do người sử dụng lao động và người lao động chưa thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về làm việc an toàn.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác ATVSLĐ, tiến tới loại bỏ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, DN. Công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ đến mọi người dân cần được đẩy mạnh. Phía DN phải chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, đặc biệt là những lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc; thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng lao động an toàn cho người lao động. Các ngành chức năng thường xuyên đo, kiểm tra môi trường và có biện pháp hạn chế, loại trừ các yếu tố có hại đến sức khỏe người lao động tại nơi làm việc. “Bên cạnh những hoạt động thường xuyên của năm, riêng trong Tháng ATVSLĐ năm nay (tháng 5), chúng tôi sẽ tổ chức sâu rộng các hoạt động tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức cho DN và người lao động. Đặc biệt, sẽ tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề về ATVSLĐ tại những DN có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức nhiều lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động…”, ông Tri cho hay.
VĂN GIANG – ĐỨC NHẬT
Theo: Báo Khánh Hòa