Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là EU và Trung Quốc…
Trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng khi đạt 193,8 tỷ USD, vượt xa cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Với tốc độ này, xuất khẩu cả năm 2017 hoàn toàn có thể xác lập kỷ lục mới ở mức 210 tỷ USD.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 19,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (kể cả dầu thô) đạt 140,7 tỷ USD, tăng 22,8%.
Các mặt hàng chủ lực tăng trưởng cao
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 41,3 tỷ USD, tăng 30,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,6 tỷ USD, tăng 38,1%; dệt may đạt 23,6 tỷ USD, tăng 9,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,5 tỷ USD, tăng 27%; thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 18,7%; hạt điều đạt 3,2 tỷ USD, tăng 23,3%; rau quả đạt 3,2 tỷ USD, tăng 43,1%…
Về thị trường xuất khẩu 11 tháng năm 2017, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là EU đạt 35 tỷ USD, tăng 13,9%; Trung Quốc đạt 30,3 tỷ USD, tăng 54,2%; ASEAN đạt 19,8 tỷ USD, tăng 25,8%; Nhật Bản đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%; Hàn Quốc đạt 13,6 tỷ USD, tăng 30,4%.
Chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2017 đạt 19 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 15,8%. Tính chung 11 tháng năm 2017, kim ngạch nhập khẩu đạt 191 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,5 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực FDI đạt 114,5 tỷ USD, tăng 23,2%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 34 tỷ USD, tăng 34%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 30,7 tỷ USD, tăng 20,7%; điện thoại và linh kiện đạt 14,4 tỷ USD, tăng 50,2%; vải đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8%; sắt thép đạt 8,3 tỷ USD, tăng 14,3%; chất dẻo đạt 6,7 tỷ USD, tăng 17,8%; xăng dầu đạt 6,3 tỷ USD, tăng 39,3% (lượng tăng 9,9%); nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5 tỷ USD, tăng 8,1%…
Về thị trường nhập khẩu 11 tháng năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 52,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 42,4 tỷ USD, tăng 46%; ASEAN đạt 25,4 tỷ USD, tăng 17,5%; Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,5%; EU đạt 11 tỷ USD, tăng 10,5%; Hoa Kỳ đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 11/2017 xuất siêu 200 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2017 xuất siêu 2,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 26,2 tỷ USD.
Mục tiêu 210 tỷ USD xuất khẩu đã rất gần
Nhận định về triển vọng xuất khẩu năm 2017, trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD.
Mức tăng trưởng này hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu của Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn, Bộ Công Thương cho rằng, tăng trưởng năm 2017 là do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy thương mại trong khu vực.
Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.
Đặc biệt, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước.
Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Đồng thời, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.
Hơn nữa, hàng hóa của Việt Nam hiện đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN… thì hàng hóa Việt Nam cũng bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ Latinh…
Việt Nam hiện cũng đang sở hữu rất nhiều loại hàng hóa có thế mạnh và ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng như: nông, thủy sản, linh kiện điện thoại, hàng dệt may… Quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu đã kịp chuyển mình và nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường.
Theo vneconomy
Theo: Báo Khánh Hòa