Những năm qua, hàng chục hộ nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhà kiên cố, có khả năng chống chọi với bão lụt. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai chính sách này và xem xét tăng mức kinh phí hỗ trợ nhằm giúp người nghèo được sống trong những căn nhà kiên cố, an toàn. 


Số lượng còn ít


Để giúp người nghèo không còn phải sống trong nhà tạm, dột nát, thiếu kiên cố, nguy cơ mất an toàn mỗi khi bão, lũ tràn về, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung. Chính sách này đặt mục tiêu không còn hộ nghèo ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão lụt phải sống trong những ngôi nhà thiếu an toàn.


TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


1
Ngôi nhà bị sập của một hộ dân ở thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh sau cơn bão số 12 năm 2017.




Theo ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tỉnh. Thực hiện đề án, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 62 ngôi nhà kiên cố cho 62 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng; chất lượng nhà ở cơ bản được nâng cấp, đáp ứng yếu tố 3 cứng: nền cứng, tường cứng và mái cứng, các hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định trong khu vực thường xuyên bị bão, lụt.


So với nhu cầu thực tế, 62 hộ được thụ hưởng chính sách là con số khá khiêm tốn bởi tại thời điểm xây dựng đề án, qua thống kê toàn tỉnh có 308 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có 138 hộ xin rút khỏi đề án. Trong số 170 hộ còn lại, chỉ có 62 hộ nhận hỗ trợ với tổng số vốn hơn 1,163 tỷ đồng; 108 hộ còn lại không nhận hỗ trợ.


Theo đánh giá của Sở Xây dựng, các hộ này không nhận hỗ trợ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phổ biến là vì đã được hỗ trợ từ các chương trình khác; tự bỏ kinh phí xây dựng, sửa chữa; không có khả năng hoàn vốn vay ngân hàng; vị trí xin sửa chữa, cải tạo, xây dựng thuộc dự án đầu tư phát triển phải thu hồi, không phù hợp quy hoạch được duyệt… Trong đó, nguyên nhân được nhắc đến nhiều đó là do mức hỗ trợ còn thấp. Các hộ từ chối tham gia do không có khả năng huy động thêm vốn để xây dựng; địa phương không có các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm. Do đó, một số trường hợp đến thời điểm cấp phát kinh phí đã từ chối nhận hỗ trợ do không đủ nguồn vốn để thực hiện. Trong khi đó, đa số các hộ nghèo đều khó khăn về kinh tế, không có thu nhập ổn định nên việc vay vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà không khả quan.


Còn 380 hộ cần hỗ trợ



Theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ xây nhà ở phòng, chống bão, lụt là hộ nghèo, chưa có nhà ở kiên cố, đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn. Nhà nước hỗ trợ từ 12 đến 16 triệu đồng/hộ để các hộ này xây dựng hoặc sửa chữa nhà bảo đảm có khả năng chống chọi được với bão lụt.


Ngày 15-10, Sở Xây dựng đã báo cáo Bộ Xây dựng kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, hiện nay, toàn tỉnh có 380 hộ nghèo tại khu vực bị ảnh hưởng bão, lụt có nhu cầu hỗ trợ. Trong đó, 233 hộ có nhu cầu xây dựng mới và 147 hộ có nhu cầu sửa chữa nhà ở. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục thực hiện chính sách này.


Trước đó, ngày 13-7, UBND tỉnh cũng đã báo cáo Bộ Xây dựng về việc tiếp tục duy trì thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Đồng thời, kiến nghị bộ xem xét tăng mức kinh phí hỗ trợ thực hiện sửa chữa, xây dựng nhà ở theo chính sách này nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo tờ trình, quyết định trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách theo Quyết định số 48 và đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. 


HỒNG ĐĂNG



Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202110/xay-nha-tranh-bao-lut-cho-ho-ngheo-can-nang-muc-ho-tro-8232626/