Nhiều năm qua, hành lang Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Như Xuân 1, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang bị người dân chiếm dụng để thiết bị, máy móc, vật tư phế liệu, gây mất an toàn giao thông đường bộ, ô nhiễm môi trường.
Ông L. – người dân ở đây cho biết: “Vật tư, xe hỏng nằm bên quốc lộ đã nhiều năm nay nhưng không ai xử lý. Số vật tư, máy móc này xuất phát từ các cơ sở thu mua phế liệu trong khu vực. Họ mua về và xem hành lang đường bộ như bãi chứa, khi cần họ lấy ra thay, có khi là chi tiết máy, sắt thép, bù lon hay ốc vít”.
Một số ga-ra ô tô trên đoạn đường này còn để thiết bị, máy móc sửa chữa như: xe kéo, máy cẩu, xe múc lấn chiếm lề đường. Trong quá trình sửa chữa, các cơ sở này còn đổ dầu nhớt ra môi trường gây ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Thuận – bảo vệ Công ty Cổ phần Foodinco Tây Nguyên (có trụ sở tại thôn Như Xuân 1) cho biết: “Lợi dụng đêm tối, các cơ sở phế liệu đem đến đây đổ hàng nên đơn vị không hề hay biết. Công ty cũng không cho ai thuê mặt tiền hay tạo điều kiện để đổ sắt thép, phế liệu. Chúng tôi có gọi tới một cơ sở phế liệu, yêu cầu thu dọn nhưng đến nay họ vẫn không phản hồi”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho hay, thời gian qua, xã Vĩnh Phương thường xuyên phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ III.3 tiến hành lập lại trật tự an toàn giao thông trên hành lang tuyến Quốc lộ 1. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã nhắc nhở, xử lý các chủ sở hữu để vật cản lấn chiếm hành lang, lòng lề đường, giải quyết dứt điểm nạn để phế liệu lấn đường tại thôn Đắc Lộc. Đối với thôn Như Xuân 1, do nhận thức loại vật cản này chưa gây nguy hại nên lực lượng chức năng xã chưa tiến hành giải tỏa. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự giao thông, đặc biệt là xử lý tình trạng bỏ phế liệu trên hành lang Quốc lộ 1”, bà Tuyết cho biết.
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý đường bộ III.3, các hạt quản lý đường bộ trực thuộc thường xuyên tuần đường, phát hiện nhiều bãi phế liệu nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Tuy nhiên, khi đến làm việc, hầu hết các chủ cơ sở thu mua phế liệu vắng mặt nên rất khó xử lý. Điều đáng nói, việc cưỡng chế không hề đơn giản vì phải có thiết bị chuyên dụng như xe cẩu, phải làm kế hoạch kinh phí thuê nhà thầu, địa điểm để đưa phế liệu đến…
Ông Tạ Thanh Tình – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết: “Theo Nghị định 11/2010/ của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc ra quân đảm bảo trật tự an toàn đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính, triển khai quy chế cưỡng chế, giải tỏa là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã Vĩnh Phương để giải quyết triệt để vấn đề này”.
V.Lạc
Theo: Báo Khánh Hòa