Với kinh nghiệm trồng tỏi hơn 10 năm, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang thử nghiệm giống tỏi voi nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Thí điểm ở 3 hộ

Những ngày này, nông dân xã Vạn Hưng đang xuống giống tỏi. Riêng 3 hộ trồng thử nghiệm, cây tỏi voi đã lên xanh. Ông Lê Văn Thông (thôn Xuân Tây) – người  có nhiều kinh nghiệm trồng tỏi thường cho biết, tỏi voi vừa mới xuống giống được hơn 1 tháng, diện tích 250m2, tỏi phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm đạt 99%. Về kỹ thuật, trồng tỏi voi không khác tỏi thường là mấy. Điểm khác là đất trồng phải thoát nước nhanh, không gây ngập úng (tỏi thường chịu ẩm hơn). Thứ hai, các chuyên gia hướng dẫn trồng theo hướng sạch, không dùng thuốc hóa học. Họ cung cấp cả phân bón đặc chủng sản xuất từ Nhật Bản nên ruộng tỏi chưa bón loại gì khác mà vẫn xanh tốt. Giống tỏi này lấy từ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày lấy giống cũng là ngày huyện Mộ Đức triển khai sản xuất thử nghiệm giống tỏi này, có sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật. Về thị trường tiêu thụ thì không lo, bởi huyện Mộ Đức đang xây dựng Dự án sản xuất củ quả sạch do Nhật Bản liên doanh đầu tư với số vốn lên tới 87 tỷ đồng.  

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Trồng thử nghiệm tỏi voi tại hộ ông Thông

Trồng thử nghiệm tỏi voi tại hộ ông Thông

Ông Trần Trung Tiến (thôn Xuân Đông) cũng vừa xuống giống tỏi voi hơn 1 tháng, tỏi đang phát triển xanh tốt. Theo ông Tiến, huyện Mộ Đức trồng tỏi trên đất cát phủ bạt, nhưng tại Vạn Hưng, nền đất cũ là đất thịt nên chỉ đổ thêm lớp cát dày 10cm để tăng độ thoát nước cho tỏi. Mật độ trồng 35 x 35cm, hàng cách hàng 1,2m. Ruộng tỏi vẫn sử dụng hệ thống tưới phun lâu nay, trong khi ở Mộ Đức sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt. “Chúng tôi được xã đưa đi tham quan cách làm của người dân Mộ Đức trong ngày khai trương dự án. Huyện Mộ Đức sẵn sàng hỗ trợ Vạn Hưng sản xuất tỏi voi. Một chuyên gia của dự án thường xuyên liên lạc, hướng dẫn chúng tôi, cả phân bón đặc chủng cũng lấy từ đó”, ông Tiến nói.

Được biết, số lượng tỏi giống hơn 1 tạ đem về từ Quảng Ngãi, xã đã phân cho 3 hộ trồng tỏi có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn trồng thí điểm, mỗi hộ 250m2.

Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp

Tỏi voi (Elephant garlic) có tên khoa học là Allium Ampeloprasum L. Var, có xuất xứ từ Đông Địa Trung Hải, thời gian thu hoạch 5 – 6 tháng (tỏi thường là 4 tháng). Những năm gần đây, tỏi voi (còn gọi là tỏi không mùi) nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng vì có hiệu quả cao về dược liệu so với các cây thuộc họ hành khác.

Lãnh đạo xã Vạn Hưng cho biết, xã là vùng trọng điểm trồng tỏi của huyện Vạn Ninh. Diện tích trồng tỏi lên tới 150ha, tập trung tại các thôn: Xuân Tây, Xuân Đông và Xuân Vinh. Thời gian qua, cùng với thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh đề xuất xây dựng thương hiệu cho cây tỏi Khánh Hòa. Giá tỏi vào mùa thu hoạch bình quân 50.000 – 70.000 đồng/kg, khi hiếm hàng lên tới 100.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc giá rớt chỉ còn hơn chục ngàn đồng/kg.

Ông Trần Thanh Tòng – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: “Vừa qua, huyện Mộ Đức đã mời đoàn công tác xã Vạn Hưng ra thăm mô hình sản xuất củ quả sạch liên doanh liên kết với Nhật, đồng thời triển khai xuống giống tỏi voi. Nông dân ở huyện Mộ Đức đã nhượng 1,1 tạ giống, trị giá hơn 30 triệu đồng để chúng tôi sản xuất thử. Chúng tôi chọn 3 hộ thí điểm, kết quả bước đầu rất khả quan. Việc lựa chọn cây tỏi voi trồng thí điểm nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho kinh tế hộ”.

Q.Viên
 
    

Theo: Báo Khánh Hòa