Với hơn 83% dân số là người dân tộc Raglai, điều kiện kinh tế – xã hội của xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm.

Đầu năm 2017, gia đình ông Bo Bo Ca (thôn Xà Bói) được nhận 70 cây bưởi da xanh để trồng. Nhờ được hỗ trợ thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật nên các cây giống đều phát triển tốt. “Từ lâu, tôi đã nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất của gia đình, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên không có kinh phí để thực hiện. Được xã hỗ trợ làm mô hình bưởi da xanh, tôi rất phấn khởi. Qua đây, tôi đã nắm được cách thức trồng và chăm sóc loại cây này, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đầu tư mở rộng diện tích”, ông Bo Bo Ca cho biết. Cách vườn ông Ca không xa, vườn của ông Mấu Hồng Năm đang có 40 cây sầu riêng phát triển tốt. Nhờ được hỗ trợ để làm mô hình nên ông Năm đã nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng.

Xã Sơn Hiệp có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3.411ha. Trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 66,3%, đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 17%. Toàn xã có 602 hộ với 1.872 khẩu; tổng số hộ nghèo năm 2017 là 275 hộ. Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2017, xã Sơn Hiệp đã có nhiều việc làm cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, xã phân công nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp từ nguồn kinh phí của các chương trình hỗ trợ đã đem lại những tín hiệu tích cực.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Trong năm 2017, thực hiện chương trình hỗ trợ của Thường trực Tỉnh ủy do ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, xã Sơn Hiệp đã triển khai hỗ trợ cho 26 gia đình trồng 1.800 cây bưởi da xanh trên diện tích 6ha, 15 hộ trồng 600 cây sầu riêng với diện tích 3ha. Ngoài việc cấp giống cây trồng có chất lượng, xã còn hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân kiểm tra thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp ở xã Sơn Hiệp

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân kiểm tra thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp ở xã Sơn Hiệp

Thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ theo Quyết định số 3347 ngày 31-10-2016 của UBND tỉnh, xã Sơn Hiệp có 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ và 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cận nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp. Các hộ sau khi nhận kinh phí đã thực hiện 4 mô hình nuôi heo đen, 6 mô hình nuôi bò sinh sản. Theo ông Trần Tấn Chóng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, các hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp đều triển khai đúng mục đích và bước đầu có hiệu quả. Những mô hình này là cơ sở để nhân rộng cho những năm sau nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi thông qua các mô hình, các hộ dân tộc thiểu số nghèo đã nâng cao nhận thức về việc sử dụng nguồn vốn, cách thức canh tác… 

 
Mới đây, trong chuyến kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế – xã hội miền núi tại xã Sơn Hiệp, ông Nguyễn Tấn Tuân đánh giá cao việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ông cho rằng, từ việc thực hiện các mô hình, người dân đã bước đầu thay đổi trong thói quen trồng trọt, chăn nuôi. Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để các mô hình đạt hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho người dân, đồng chí chỉ đạo thời gian tới, đội ngũ cán bộ xã Sơn Hiệp, nhất là cán bộ phụ trách khuyến nông cần thường xuyên theo dõi, bám sát các mô hình để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ người dân. Về lâu dài, xã Sơn Hiệp cần chú trọng đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, gắn với định hướng phát triển du lịch của địa phương.

N.T

Theo: Báo Khánh Hòa