Những năm qua, cây mía đường và sản xuất gạch thủ công là nguồn thu nhập chính của người dân xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Nhưng năm 2016, cây mía lỗ nặng, sản xuất gạch đang dần chấm dứt; vì thế, việc tìm kiếm ngành nghề, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi thích hợp cho xã đang là nhiệm vụ đặt ra.
Ninh Xuân là xã bán sơn địa, cách trung tâm thị xã Ninh Hòa 7km về hướng Tây. Trong số gần 6.000ha diện tích tự nhiên, có tới 4.400ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích lúa không đáng kể, như vụ đông xuân 2017 toàn xã có 235ha, hầu hết được dành cho cây mía đường với tổng diện tích tính đến hết tháng 7-2017 là 2.557ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây mía khi nắng hạn, chữ đường cao thì sản lượng chẳng được bao nhiêu. Vụ mía gần đây nhất, diện tích tăng, năng suất tăng, nhưng do trời mưa vào thời điểm cận thu hoạch nên chữ đường xuống thấp, người trồng mía hầu như chỉ đủ bù chi phí. Ngoài trồng mía, một số ít người dân trong xã chăn nuôi gà, bò, heo… nhưng quy mô không lớn.
Điều đặc biệt, Ninh Xuân gần như là thủ phủ của nghề làm gạch thủ công, bởi đến nay vẫn còn 41 cơ sở sản xuất gạch (thuộc diện phải chấm dứt hoạt động trước năm 2020 theo đề án của tỉnh) đang vận hành ngày đêm. Xã cũng đã phát triển được 2 nhà máy gạch tuynel. Theo thống kê, trong số 28.000 hộ, có một nửa số hộ đang có thu nhập từ làm nông, 1/4 số hộ có nguồn thu chính từ hoạt động sản xuất gạch.
Những năm gần đây, sản xuất gạch theo công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường… không còn là hướng đi được khuyến khích, do vậy không thể là mũi nhọn kinh tế của địa phương. Trong khi đó, cây mía đường cũng đang đối diện với không ít vấn đề, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn và cần nhiều thời gian để thay đổi cả về kỹ thuật lẫn công nghệ canh tác nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế. Theo ông Nguyễn Trinh – Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, xây dựng cánh đồng mía lớn là một chủ trương đúng đắn, đang được xã đeo đuổi. Tuy nhiên, đặc điểm của cây mía khác với các loại cây trồng khác là trên cùng một khu vực, các hộ có thời điểm xuống giống khác nhau, mỗi kỳ xuống giống thu hoạch từ 4 đến 5 năm. Trong khi đó, cánh đồng lớn đòi hỏi phải đồng bộ, vì vậy quá trình vận động người dân tham gia cánh đồng lớn mất nhiều thời gian và đang cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng hộ tùy theo từng thời điểm xuống giống.
Trong buổi làm việc với xã Ninh Xuân mới đây, đồng chí Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Ngoài cây mía đường, xã cần sớm tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra được nhiều mô hình kinh tế hơn nữa. Chẳng hạn như mô hình trồng cây ăn quả, cây rau theo hướng an toàn, chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sạch… Nếu cần thiết, UBND tỉnh sẽ có các bước hỗ trợ cùng với địa phương xây dựng mô hình điểm, mang tính thử nghiệm, khi thành công mới nhân đại trà”. Về nghề làm gạch, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi ngành nghề cho người dân, đồng thời chủ động nghiên cứu chuyển sang sản xuất các loại vật liệu không nung.
Qua tìm hiểu, nếu nhìn vào các điều kiện để phát triển, xã có Quốc lộ 26 chạy qua, thuận tiện về giao thông; có hồ chứa nước với sức chứa hàng chục triệu khối, có con sông Cái Ninh Hòa chảy qua… thuận lợi cho tưới tiêu ruộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế, hồ chứa nước Suối Trầu dù nằm trên địa bàn xã Ninh Xuân nhưng lại cung cấp nước tưới cho các xã khác, chỉ có vài chục héc-ta đất ở Ninh Xuân được hưởng lợi từ hồ chứa nước này. Mặt khác, do chân đất cao nên nước từ sông Cái không thể tự chảy vào các vùng đất của xã, bởi vậy 2 đập dâng trên sông Cái được lắp đặt ở Ninh Xuân nhưng lại phục vụ nước tưới cho các xã lân cận. Theo ông Nguyễn Trinh, những năm gần đây, một số người dân đã chuyển sang trồng bưởi da xanh, tổng diện tích hiện nay khoảng 2ha. Một số diện tích đã cho thu hoạch và bước đầu hiệu quả. Đây sẽ là tiền đề để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn quả, trước hết là ở những diện tích ven sông Cái chủ động về nước tưới.
Hy vọng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, xã Ninh Xuân sẽ có những bước chuyển mình trong phát triển kinh tế – xã hội.
H.Đ
Theo: Báo Khánh Hòa