Những năm gần đây, một số người dân trên địa bàn xã Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây hoa màu và cây ăn quả, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Hiệu quả bước đầu
Gia đình ông Nguyễn Đức Quang (thôn Thạch Định) có 1,5ha đất, trước đây chủ yếu trồng lúa và các loại rau màu, sau khi trừ mọi chi phí, thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Thấy trên địa bàn xã còn ít người trồng hoa cúc, ông mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng hoa cúc. Sau vài vụ hoa thắng lợi, ông tiếp tục mở rộng diện tích, tăng số lượng từ 100 chậu hoa ban đầu lên 500 chậu. Ông Quang chia sẻ, ban đầu, ông phải đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Sau mỗi vụ, ông tự rút kinh nghiệm cách trồng hoa cho riêng mình. Vì vậy, chất lượng hoa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Với kinh nghiệm sau 4 năm chuyển đổi cây trồng, ông luôn sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ người dân để cùng nhau phát triển, nâng cao thu nhập. Gia đình ông còn trồng rau tía tô, cải, tần ô, bắp thảo và nuôi thêm bò, gà. Hiện mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng.
Ông Lê Ngọc Sơn (thôn Quảng Cư) lại thành công với mô hình cải tạo 1,5ha vườn tạp sang trồng cây ăn quả, kết hợp với trồng cây rau màu lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, ông Lê Quy Ba (thôn Tân Ninh) thành công với việc chuyển đổi vườn tạp sang trồng dừa xiêm và chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông trồng 2ha lúa, 2ha dừa xiêm, kết hợp nuôi trên 300 con gà và 5 con bò cái sinh sản. Ông biết áp dụng đúng kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng rơm, rạ ủ với phân bò, gà bón cho cây, hạn chế phân bón hóa học nhưng cây vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao. Sau khi đã trừ các chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 350 triệu đồng/năm.
Tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng
Bà Nguyễn Thị Thu Phượng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Trung cho biết, thực hiện Quyết định 2690 của UBND tỉnh về chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 – 2020, UBND xã tổ chức thống kê diện tích vườn, loại cây trồng của các hộ dân. Theo đó, có gần 60/86ha trồng cây hàng năm của xã kém hiệu quả sẽ được chuyển đổi sang cây trồng khác. Đến nay, có 19ha đã được người dân chuyển sang trồng các loại cây như: bưởi da xanh, mít, xoài và dừa. Hiện các vườn cây ăn quả đã được 2 – 4 năm tuổi, một số vườn bắt đầu cho thu hoạch. Song song với đó, một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ hoa màu gồm các loại cây như: đậu phộng, bắp, ớt… Qua thời gian chuyển đổi, cây trồng phát triển tốt, một số hộ đã có thu nhập ổn định.
Nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, năm 2018, UBND tỉnh có Quyết định 1609 quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Sau khi có quyết định, xã đã niêm yết công khai và tuyên truyền rộng rãi. Tuy vậy, người dân còn gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn hỗ trợ này. Bởi để được hỗ trợ, quy mô vùng chuyển đổi phải từ 2ha trở lên đối với cây hàng năm và 5ha trở lên đối với cây lâu năm. Trong khi đó, người dân Ninh Trung chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, diện tích đất nhỏ, lẻ, manh mún. Về mức hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, theo yêu cầu thì người dân phải có hóa đơn đỏ, chứng từ thuê máy móc và nhiều thủ tục khác nên khó có thể đáp ứng.
Theo bà Phượng, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, xác định vùng chuyên canh, tập trung bố trí 2 vụ lúa chủ yếu ở những chân ruộng có hệ thống nội đồng hoàn chỉnh, đảm bảo nguồn nước tưới. Riêng những chân ruộng kém hiệu quả, xã sẽ vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu, có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, xã sớm tổ chức đánh giá hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng để có cơ sở vận động người dân chuyển đổi với diện tích còn lại. Đồng thời, Hội Nông dân xã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay; hướng dẫn chăm sóc, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đầu ra sản phẩm cho nông dân.
C.Vân
Theo: Báo Khánh Hòa