Hai hợp tác xã (HTX) trên địa bàn xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là gạo thảo dược, nếp cẩm và rau muống sạch, nhưng hiện tại gặp khó trong việc nâng cao giá trị sản phẩm.

Khó phát triển

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Trước đây, Ninh Hòa có nhiều giống lúa, nếp truyền thống như gạo tím than, nếp quạ…, giàu vitamin lại có tác dụng phòng, chữa bệnh. Song, vì nhiều lý do nên các sản phẩm truyền thống mai một dần. Từ thực tế đó, năm 2017, HTX Nông nghiệp Ninh Đông nghiên cứu, tổ chức sản xuất gạo (lúa) thảo dược và nếp cẩm, xem đó là sản phẩm đặc trưng cho thị xã Ninh Hòa. Đến khi có Chương trình OCOP, HTX đã đăng ký phát triển 2 sản phẩm đặc trưng này.



Sản xuất lúa thảo dược tại Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông.

Sản xuất lúa thảo dược tại Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông.



Ông Nguyễn Điệt – Giám đốc HTX Nông nghiệp Ninh Đông cho hay, từ diện tích ban đầu 4 – 5 sào (400 – 500m2), HTX đã mở rộng lên 2ha. Trong đó, lúa thảo dược 1ha, nếp cẩm 1ha; năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha/vụ nếp cẩm, 8 tấn/ha/vụ lúa thảo dược. Để phục vụ việc chế biến sản phẩm OCOP, HTX xây dựng 1 dây chuyền xay xát gạo (xay lứt), lò sấy, kho bảo quản sản phẩm 50 – 60m2, máy đóng bao đơn giản… Hiện nay, thị trường vẫn còn hạn hẹp, sản phẩm được phân phối chủ yếu tại các địa phương trong tỉnh như: Nha Trang, Ninh Hòa và tỉnh Phú Yên. Nguồn giống ban đầu được một mạnh thường quân ở tỉnh Bến Tre hỗ trợ; hàng năm, HTX tổ chức phục tráng giống, đảm bảo sản phẩm không bị thoái hóa.


HTX Rau an toàn Ninh Đông cũng đăng ký sản phẩm OCOP là rau muống sạch. Với quy mô ban đầu 0,5ha, mỗi tháng đưa ra thị trường 2 tấn rau sạch. Lý giải vì sao HTX đăng ký thương hiệu OCOP với cây rau muống, ông Nguyễn Ngọc Toàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Ninh Đông cho biết, rau muống được sản xuất, chế biến theo quy trình VietGAP, không dùng chất hóa học, sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.


Theo ông Điệt, tuy là sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh cạnh tranh, nhưng hiện nay HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng thương hiệu. Nguyên nhân là, sản xuất gạo, nếp thảo dược đòi hỏi phải tuân thủ quy trình sản xuất phức tạp, không lẫn tạp và phải theo hướng hữu cơ. Vì thế, dù giá thành cao (20.000 đồng/kg gạo) và HTX thu mua ưu đãi (cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) nhưng nông dân vẫn chưa mặn mà. Đồng thời, HTX cũng khó thuê đất và nhân công để sản xuất đại trà do giá lao động cao. Ngoài ra, thủ tục phát triển các sản phẩm OCOP yêu cầu cao như viết bài mô tả ý tưởng sản phẩm; bao bì bắt mắt… Trong khi đó, năng lực của HTX có hạn, đầu tư bao bì chất lượng có chi phí cao (cơ sở in nhận số lượng lớn mới giảm giá thành, bình quân 100 triệu đồng/mẫu) nên HTX chỉ có thể đặt hàng ở mức độ đơn giản. Cái khó cuối cùng là nguồn vốn. Tuy Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp và HTX nhưng vẫn chưa tháo gỡ được “nút thắt” vay vốn. HTX không có tài sản riêng nên không thể thế chấp ngân hàng, mà phải thông qua cá nhân hay hộ gia đình mới vay được nên không thể chủ động vốn sản xuất.


Tình hình HTX Rau an toàn Ninh Đông có khả quan hơn. Vùng sản xuất có thể mở rộng lên hàng chục héc-ta, nhưng hiện tại cơ chế vay vốn gặp khó nên HTX cũng chưa dám thực hiện đại trà, e ngại “tắc” đầu ra.

Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn


Theo lãnh đạo xã Ninh Đông, thời gian qua, chính quyền xã đã có sự hỗ trợ tích cực cho các HTX phát triển. HTX Rau Ninh Đông mới thành lập nên chính sách có nhiều ưu đãi và hiện nay, HTX này cũng đã liên kết với nông dân phát triển vùng sản xuất hơn chục héc-ta/18 hộ. HTX Nông nghiệp Ninh Đông trước đây đã được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi như hỗ trợ vay vốn mua máy cày phục vụ sản xuất, giao 2ha đất để sản xuất gạo, nếp thảo dược nhưng đến nay, HTX vẫn chưa mở rộng được vùng sản xuất nguyên liệu.


Theo ông Lê Quang Hải – Chủ tịch UBND xã Ninh Đông, ngoài khó khăn chung, HTX Nông nghiệp Ninh Đông cần phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo của mình. Cụ thể như: HTX cần lên phương án mở rộng diện tích sản xuất các sản phẩm OCOP, lựa chọn cánh đồng, báo cáo Đảng ủy, UBND xã để cùng nhau vận động nông dân thực hiện trên cơ sở những ưu thế sản phẩm và những ưu đãi của HTX khi triển khai sản xuất hàng OCOP… Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành thị xã và tỉnh xem xét, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các HTX có sản phẩm OCOP đặc trưng nhằm phát huy thế mạnh của sản phẩm truyền thống để có cơ hội phát triển.


V.L

 

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202006/xa-ninh-dong-kho-phat-huy-cac-san-pham-ocop-8168973/