Cầm que test hiện 2 vạch đỏ quạch, cảm xúc lẫn lộn. Nghĩ thầm nếu là giờ này năm ngoái, chắc đã nước mắt ngắn nước mắt dài khi được trùm lên bộ đồ màu xanh kín mít và được đưa đến nơi cách ly. Còn giờ thì F0 chuẩn bị tâm lý tâm thế sẵn nên không hoang mang hay u sầu gì cả, cơ bản là ngày nào cũng được phổ cập cả mớ kiến thức chữa bệnh trên các hội nhóm và cả những cựu F0 xung quanh mình nên sẵn sàng chiến đấu với cô Vi. F0 bây giờ ngày nào cũng thấy khoe đầy trên facebook, không ngại giấu giếm chuyện mình bị bệnh. Đúng là, khi tư duy thay đổi thì mọi chuyện cũng sẽ đơn giản hơn…
Covid-19 làm cho người ta biết sợ, nhưng cũng biết lắng nghe cơ thể hơn. Có thể cũng những biểu hiện ấy, nếu trước Covid hẳn ai cũng sẽ nghĩ là xoàng thôi không vấn đề gì. Nhưng giờ chỉ cần mới cảm thấy khô cổ rát họng là đã để ý, đã thấy lo, đã nghĩ ngay tới con vi rút đáng sợ ấy… Không truy vết, không cật vấn ai lây cho ai, giờ chẳng người nào còn cảm thấy cuống quýt khi biết mình vừa tiếp xúc với F0, thậm chí là với nhiều F0. Căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể bị đã làm cho mọi người trở nên cởi mở hơn, cảm thông với nhau hơn. Ừ thì cũng chỉ là bệnh, ai mắc thì chữa, ai chưa thì cẩn thận đề phòng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn ngoài kia, nếu dừng lại như những tháng ngày giãn cách, Covid sẽ có nhiều cơ hội để tấn công con người hơn, không phải chỉ bằng những con vi rút bé xíu!
Đúng là khi có bệnh, ít ai giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan. Với Covid-19, nỗi sợ gần như thường trực, đến mức chưa mắc phải người ta đã sợ. Nhưng rồi, khi căn bệnh đã trở thành đại dịch toàn thế giới, khi mà xung quanh nhiều người nhiễm, thì bạn chẳng còn sợ mình cô đơn trong cuộc chiến với nó nữa. Thay vì thảng thốt nhận tin nhắn của ai đó báo là F0, giờ là lúc người ta trao nhau những icon mặt cười động viên, những câu chuyện hài hước, những “sợi dây kinh nghiệm” chữa bệnh được rút ra từ các cựu F0. Có khi đang nằm ho rũ rượi cũng phải phì cười khi một người bạn nhắn trời ơi sao test mãi mà tớ vẫn cứ là người âm thế này, mặc dù cũng đau họng đau đầu đau các kiểu!!! Cười thế mà vẫn thấy chạnh lòng, thứ bệnh gì mà quái quỷ đến mức cả thế giới phải lo, phải nghĩ, phải tìm cách đối phó, bệnh xong vẫn lo đối phó với những di chứng nó để lại. Đọc tài liệu đâu đó nói rằng, thông thường, con người mất 0,2 đến 0,3% chất xám mỗi năm, ở các khu vực liên quan đến trí nhớ của não khi họ già đi. Còn trong một nghiên cứu mới nhất cho thấy, bệnh nhân Covid-19 thường mất lượng chất xám nhiều hơn so với người bình thường. Các hội nhóm F0 trên mạng xã hội lại rần rần liệt kê ra những biểu hiện “não cá vàng”, nhớ đó rồi quên đó. Lạ là những cái gì thuộc về miền ký ức thì vẫn nhớ như in, như mới hôm qua vậy. Hóa ra vẫn có những thứ mà Covid không thể chạm tới được. Là mình tự vấn an mình thế…
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Cuộc sống là dòng chảy, có nhiều thứ để lo để nghĩ. Vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều người khi hàng ngày đang chiến đấu với bạo bệnh. Vẫn thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người khi đang bấn loạn, đau khổ, mất mát, chia lìa vì bom rơi đạn lạc của chiến tranh giữa thời bình… Chợt nhớ tới câu chuyện một người cảm thấy cuộc sống quá nặng nề, bèn đi tìm nhà triết học Plato cầu mong kiếm đường giải thoát. Plato chẳng nói chẳng rằng, đưa cho ông ta một cái sọt bảo đeo lên vai, chỉ vào một con đường lổn nhổn đất đá và nói cứ mỗi bước đi lại nhặt một hòn đá cho vào sọt xem thử thế nào. Dĩ nhiên là cái sọt càng nhiều đá thì người mang càng thấy nặng. Nhà hiền triết Plato nói rằng đấy chính là nguyên nhân vì sao ta cứ cảm thấy cuộc đời ngày càng nặng nề. Mỗi người khi đến thế giới này đều đeo một cái sọt rỗng, mỗi một bước đi trên con đường đời anh ta đều nhặt một thứ gì đó cho vào sọt, cho nên càng đi càng cảm thấy mệt mỏi. Nếu thấy khó có thể vứt bỏ thì đừng nghĩ đó là gánh nặng nữa mà nên nghĩ đến niềm vui nó mang lại…
Ấy là để thấy, thân thể mệt mỏi không đáng sợ bằng tâm hồn mệt mỏi. Còn thở được, còn vui được, còn lo được… mỗi ngày trôi qua đều là một ngày hạnh phúc!
HẢI NGUYỆT
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202203/vuot-qua-noi-so-8245476/