Ngày 24-5, UBND huyện Vạn Ninh có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về kết quả kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép tại thôn Điệp Sơn của các doanh nghiệp (DN) hoạt động du lịch theo phản ánh của Báo Khánh Hòa. Báo cáo đã giải trình những vấn đề mà Báo Khánh Hòa Chủ nhật, ngày 6-5 phản ánh trong bài viết “Sai phạm xây dựng ở Điệp Sơn: Bao giờ mới xử lý?”.
Phải khẩn trương dỡ cầu tạm, bến nhô
Theo báo cáo, tại thôn Điệp Sơn, Công ty Cổ phần Sơn Nam đã xây dựng một cầu nổi tạm với kết cấu sàn gỗ, thùng phuy nhựa, có chiều dài khoảng 70m. Ngày 4-5, UBND xã Vạn Thạnh đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của cầu tạm này. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên đi cùng đoàn kiểm tra ngày 18-5, cầu tạm này vẫn hoạt động bình thường, chưa được tháo dỡ. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài cầu tạm không phép của Công ty Cổ phần Sơn Nam, tại thôn Điệp Sơn một DN hoạt động du lịch khác là Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô cũng tự ý xây dựng một bến nhô tạm bằng đá san hô và bề mặt có láng xi măng, có chiều dài khoảng 50m, rộng hơn 2,5m. Thế nhưng, trong báo cáo của UBND huyện không đề cập đến vấn đề này.
Trong buổi kiểm tra thực tế ngày 18-5, ông Cao Tấn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nêu ý kiến, cầu tạm và bến nhô của 2 DN hoạt động du lịch tại Điệp Sơn chưa có trong quy hoạch, mất an toàn. Ông Lợi đề nghị huyện phải khẩn trương tháo dỡ và phải đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cầu dân sinh, tạo điều kiện cho các phương tiện thủy cập vào đảo.
Cơ quan chức năng huyện Vạn Ninh cho rằng, cầu đò dân sinh của thôn Điệp Sơn sau cơn bão số 12 năm 2017 đã bị cát bồi lấp, không có chỗ cho các phương tiện lớn nhỏ cập vào. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, khảo sát, tính toán để cải tạo. Huyện đã thống nhất làm mới 1 đoạn 20m từ cầu cũ đi ra và làm một bến nhô thấp đi song song với cầu hiện hữu để cho phương tiện nhỏ cập vào. Dự toán xây dựng hết 2 tỷ đồng, huyện đã có kinh phí và chuẩn bị tiến hành triển khai.
Các công trình đều không có phép
Văn bản của UBND huyện Vạn Ninh xác nhận, trong phần diện tích cho thuê của Công ty Cổ phần Sơn Nam, DN này đã làm 4 nhà có diện tích 760m2; xây dựng 1 nhà sàn mái tranh; 1 trại có diện tích 84m2 và 12 sân với kết cấu móng xây đá chẻ, nền xi măng, có diện tích mỗi sân từ 12 đến 16m2. “Qua kiểm tra thực tế, Công ty Cổ phần Sơn Nam có hợp đồng thuê đất để quản lý, khai thác du lịch. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình nêu trên, DN không thực hiện các thủ tục xin phép xây dựng theo quy định. Do đó, UBND huyện Vạn Ninh đã yêu cầu Công ty Cổ phần Sơn Nam dừng việc xây dựng các công trình tại thôn Điệp Sơn để hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định”, báo cáo nêu rõ.
Đối với đất do UBND xã Vạn Thạnh quản lý, trong phần diện tích thửa số 26, tờ bản đồ số 14, được xác định trước đây là của bà Trần Thị Xi – trú thôn Điệp Sơn tự ý lấn chiếm; đến năm 2017, bà Xi đã chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Bá Luân – nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Nam. Ông Luân tiến hành xây dựng 2 công trình kiên cố nhưng chưa hoàn chỉnh, có tổng diện tích hơn 103m2. Ngay khi phát hiện, xã Vạn Thạnh đã lập biên bản đình chỉ việc xây dựng, mời ông Luân lên làm việc để tháo dỡ. Tuy nhiên, hiện nay, ông Luân đang bị công an tạm giữ. UBND huyện đã giao cho UBND xã Vạn Thạnh tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn để có hướng xử lý trong thời gian tới.
Cùng với việc xây dựng không phép của Công ty Cổ phần Sơn Nam, tại Điệp Sơn, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô cũng xây dựng nhiều công trình. Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND huyện không đề cập đến, dù đoàn kiểm tra cũng đã đi thực tế. Theo thông tin mà chúng tôi có được, tại khu vực hoạt động của DN này đã xây dựng 6 chòi kết cấu bằng mái tranh, trụ gỗ, nền lót ván, mỗi chòi có diện tích 8,4m2; 5 nhà sàn có diện tích khoảng 70m2; dãy nhà gồ 5 phòng có kết cấu mái lợp tôn, nền xi măng, có tường tô trát diện tích hơn 52m2; 2 nhà ở 80m2, mái lợp tôn, nền xi măng, vách tôn; khu nhà hàng gồm 3 nhà, có diện tích 380m2, kết cấu mái lợp tranh, tôn, kèo gỗ, sàn lót gạch, 1 nhà có khu vệ sinh hoàn chỉnh… Theo UBND xã Vạn Thạnh, những công trình này hoàn toàn do DN tự làm, không xin phép.
Tại cuộc kiểm tra liên ngành ngày 18-5, bà Sử Khắc Thủy – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, tuy trong hợp đồng thuê đất giữa UBND xã Vạn Thạnh với 2 DN có một điều khoản là chỉ được phép xây dựng các công trình tạm, nhưng không thể căn cứ vào điều khoản này để DN tự ý xây dựng mà không xin phép, như vậy là hoàn toàn sai. Về nguyên tắc, dù công trình to hay nhỏ thì khi xây dựng các DN cũng phải lập hồ sơ thiết kế, có bản vẽ kỹ thuật và phải xin phép các cấp có thẩm quyền, được sự đồng ý mới được phép xây dựng; nếu không sẽ phải tháo dỡ ngay.
Nhiều vấn đề tồn tại
Những chuyện lùm xùm liên quan đến du lịch Điệp Sơn không phải mới xảy ra gần đây, mà nó bắt đầu ngay sau khi UBND xã Vạn Thạnh ký hợp đồng cho 2 DN nói trên thuê đất và mặt nước để kinh doanh dịch vụ du lịch (tháng 7-2017). Từ đây, nhiều bất cập đã nảy sinh, trong đó đáng kể có DN bị tố “độc quyền” thủy đạo Điệp Sơn; liên tiếp những vụ tranh giành, chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp trong một thời gian dài… Chỉ 3 tháng sau khi chính thức khai thác, UBND tỉnh đã phải tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra những biện pháp siết chặt hoạt động du lịch tại Điệp Sơn. Một trong những yêu cầu cao nhất nêu trong Thông báo 729, ngày 27-10-2017 của UBND tỉnh là địa phương phải điều chỉnh thời gian thuê 1 năm thay vì 5 năm. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được thực hiện.
Theo thông tin từ phía địa phương, sau khi ông Nguyễn Bá Luân – nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Nam bị Cục Cảnh sát hình sự (C45 Bộ công an) tạm giữ thì DN này đã thay thế người đại diện pháp luật. Trong khi đó, hợp đồng thuê đất làm du lịch tại Điệp Sơn giữa công ty này với UBND xã Vạn Thạnh do ông Luân ký. Vậy hợp đồng này có còn hiệu lực hay không, chính quyền địa phương cần trả lời câu hỏi này.
Mặt khác, trong các thông báo của UBND tỉnh đều không cho phép xây dựng, vận hành 2 bến thủy nội địa tạm DN tự lập để phục vụ du lịch tại thôn Điệp Sơn. Thế nhưng, không hiểu sao đã hơn nửa năm trôi qua mà cầu tạm và bến nhô của các công ty này vẫn tồn tại(?). Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu phải giới hạn lượng khách ra đảo, nhưng theo chúng tôi được biết, bất kể lượng khách là bao nhiêu, các DN đều đáp ứng.
THÀNH NAM – HẠ PHONG
Theo: Báo Khánh Hòa