Lợi dụng mạng xã hội, chủ nhà trọ đăng tin cho thuê phòng tiện nghi với giá cực rẻ và bắt buộc phải đặt tiền cọc để giữ phòng. Đến khi nạn nhân dọn đến ở mới “tá hỏa” với những khoản phí cao ngất ngưởng mà họ phải trả nếu chấp nhận thuê. Hàng trăm người đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt một cách trắng trợn này.
Tìm phòng trọ với sinh viên luôn là nỗi lo lớn vì nếu không cẩn trọng có thể “tiền mất tật mang”.
Thời gian gần đây, báo Tiền Phong liên tục nhận được đơn thư kêu cứu, tố cáo từ nhiều nạn nhân về việc họ cho rằng mình bị chủ nhà trọ “giở chiêu” để cưỡng đoạt tiền cọc khi đi thuê nhà trọ ở nhiều địa chỉ khác nhau ở TPHCM. Đặc biệt, vào thời điểm đầu năm học, nhiều tân sinh viên lần đầu lên thành phố sẽ là những “con mồi” ngon của các chủ nhà trọ ma mãnh này…
“Chân ướt chân ráo” tìm nhà trọ
Những ngày cuối tháng 8, tại bến xe Miền Tây, hai cha con anh Lê Minh Bảo (52 tuổi, ngụ Bến Tre) tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc, đang vội bắt thêm chuyến xe buýt về quận 5- nơi có trường ĐH Sư phạm TPHCM mà con gái út của anh vừa trúng tuyển. Anh Bảo cho biết, hồ sơ nhập học đã làm xong, hôm nay đưa con gái đến để tìm nhà trọ. “Hai cha con lạ nước lạ cái, ở trên này cũng chẳng có quen ai, giờ bắt xe ôm đi vòng vòng mong tìm được phòng trọ ổn xíu cho con yên tâm mà đi học”, anh Bảo bộc bạch.
Theo chân cha con anh Bảo, chúng tôi rảo bước quanh các con đường lân cận trường ĐH Sư phạm TPHCM. Nhìn chung các khu nhà trọ tại địa bàn này không thiếu, nhưng có nơi thì giá quá cao, khu khác lại quá ẩm thấp, nhỏ hẹp, có phòng chỉ đủ 1 người nằm và để đồ đạc, đến cả xoay chuyển cũng khó khăn.
Khó khăn lắm bé Lê Thị Thu Thảo( con gái anh Bảo) mới tìm được căn phòng trọ nằm tại hẻm nhỏ ngay trên đường An Dương Vương với giá 3 triệu đồng, anh Bảo chặc lưỡi: “Thôi kệ, tìm được phòng trước đi rồi tìm bạn ở chung chia tiền ra sau, chứ giờ cũng sắp đến ngày vào học, khó tìm được phòng gần trường như thế này”.
Còn đối với bạn Nguyễn Minh Tú (sinh viên năm 1 trường Cao Đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), tìm được phòng trọ hiện tại là cả một “hành trình gian nan”. Trường nằm tại quận 1, chi phí đắt đỏ nên khó tìm được phòng trọ ưng ý, Tú phải lân la hỏi thăm mọi người đến các quận lân cận để tìm phòng. “Lúc đầu mình thấy giấy cho thuê nhà trọ được dán đầy ở các cột điện, nhưng khi liên hệ thì toàn những nơi rất phức tạp, có khi họ ghi địa chỉ một nơi nhưng khi gọi điện lại chỉ đường đến một chỗ khác”, Tú cho biết.
Chấp nhận mất tiền oan để “toàn mạng”
Phản ánh với phóng viên, chị T.T.T.V. (quê TP. Vũng Tàu, hiện là sinh viên), kể lại vụ việc chị bị chủ nhà trọ “treo đầu dê bán thịt chó”. Cụ thể, năm 2014, chị V. tìm kiếm thông tin nhà trọ trên mạng và đến xem phòng ở địa chỉ 125/41 đường D1, P.25, Q. Bình Thạnh. Phòng đẹp, mới xây và tiện nghi nên mình không ngần ngại đặt cọc 1,5 triệu đồng để giữ phòng.
Khi mình đã thuê rồi, chủ nhà tự ý cho thêm người khác vào ở. “Đã vậy ngày nào cũng dắt người lên xem phòng, trong khi phòng này mình đang thuê. Vì không chịu nổi, mình đành bỏ 600.000 đồng tiền cọc và dọn đi”, chị V. bức xúc, thuật lại với PV.
Cũng là nạn nhân của căn nhà trọ trên, T.T.K.Y ( 20 tuổi, sinh viên Đại học Hồng Bàng) cho biết, năm 2016, K.Y. thấy thông tin cho thuê nhà trên tờ rơi dán ở cột điện nên gọi theo số điện thoại để xem phòng. Người chủ còn nói trọ ở đây giá rẻ mà lại tiện nghi, rộng rãi, tiền điện, nước hàng tháng chia theo đầu người cả dãy trọ và “rẻ lắm vì tính theo giá nhà nước”.
Nghe rất hấp dẫn, Y. nhanh chóng đặt tiền cọc 1 triệu đồng để giữ phòng và hẹn 2 ngày sau đến nhận phòng. “Tới ngày dọn qua, tôi mới được thông báo ngoài tiền trọ hàng tháng, còn phải đóng thêm rất nhiều khoản, trong đó có những số tiền rất vô lý, riêng tiền điện nước đã lên tới 1 triệu đồng. Tính ra một tháng tổng cộng phải đóng đến hơn 3 triệu đồng. Đã bị lừa đảo mất số tiền không nhỏ, tôi còn phải đi cầm cố sợi dây chuyền mới đủ tiền tìm nhà trọ khác”, sinh viên này bất bình kể.
Quá quắt hơn, không chỉ đợi đến lúc người thuê dọn đến ở, bọn lừa đảo trở mặt ngay sau khi người đi thuê đã đặt tiền cọc giữ phòng. Sinh viên N.H.Đ. (20 tuổi, quê Khánh Hòa) vẫn chưa hết ấm ức, cho hay sau khi làm hợp đồng với chủ trọ, hai giờ đồng hồ sau quay lại xin rút cọc vẫn chịu mất 50% số tiền đã đặt trước. “Bà chủ trọ hẹn tháng sau lên lấy tiền cọc còn lại, nhưng đến hẹn cũng không chịu đưa tiền”. Sau đó Đ. tranh cãi với bên cho thuê nhưng bị một nhóm thanh niên bặm trợn hăm he, nên đành chấp nhận bỏ tiền cọc để giữ an toàn.
Những hợp đồng được kí kết bằng những cái tên khác nhau.
Biên nhận được viết tay sơ sài, điều khoản không rõ ràng, được kí bằng một cái tên khác.
“Sao lừa đảo trắng trợn mà vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý?”
Bên cạnh nhiều người chấp nhận bỏ tiền cọc vì bị lừa đảo trắng trợn, số nạn nhân khác cho biết khi biết đã bị lừa, do tiếc tiền nên đành “bấm bụng” dọn vào ở. Lúc này bà chủ nhà trọ liền đưa ra quy định “chủ phải giữ chìa khóa phòng của khách ở”, khách một chìa, chủ một chìa. Theo nhiều người thuê phòng, đồ đạc của họ có dấu hiệu bị lục lọi. Trong khi đó, xe của sinh viên T.V. còn bị bẻ khóa và người nhà của chủ “vô tư” sử dụng.
Đáng nói hơn là trường hợp của bạn T.S.Q. (26 tuổi, ngụ TPHCM). Do nhà xa nên Q. đành thuê phòng ở địa chỉ trên để tiện đi làm. Q. tâm sự cô phải dọn khỏi căn trọ này khi phát hiện điện thoại, laptop cùng máy quay phim có giá trị tổng cộng gần 200 triệu đồng đã “không cánh mà bay”. Còn chìa khóa mà bà chủ trọ đang giữ thì bỗng dưng không tìm thấy!(?).
Nhiều sinh viên bị dính bẫy lừa ở nhà trọ này đều cho rằng: thủ đoạn chung mà bà chủ trọ và “đàn em” bày ra là chiêu dụ những người thuê nhà với những hứa hẹn và cam đoan nghe khá lọt tai. Lúc khách đến xem nhà, bà thường dùng lời lẽ ngọt ngào cùng điều kiện nhà tốt, an ninh với mức giá rẻ.
Tuy nhiên, sau đó chủ nhà lại “giở quẻ” khiến những người thuê cảm thấy bị chèn ép, không đủ điều kiện thuê khi mức tiền nhà “đội lên” gấp ba đến bốn lần thỏa thuận ban đầu. Khi khách tỏ vẻ không đồng ý, bọn người này trở nên côn đồ, lưu manh và thậm chí dùng dao để đe dọa. Do vậy, các nạn nhân đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà ôm ba lô ra đi.
Nhiều người thuê trọ tại địa chỉ trên cho biết, từ năm 2014 đến nay, người chủ của nhà trọ này đứng ra ký hợp đồng thuê trọ cho khách với nhiều tên gọi khác nhau. Những cái tên như Lê Thúy, Mai Ngọc, Lê Na,… được sử dụng để đại diện bên A cho thuê trên giấy tờ. Bên cạnh đó, hầu hết nạn nhân cũng phản ánh, muốn nhận được số tiền cọc còn lại thì phải trả lại hợp đồng đã ký cho chủ nhà. Bởi vậy, sau đó họ không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh mình đã bị lừa đảo.
Những lá đơn kêu cứu của các nạn nhân trình bày về sự việc bị lừa đảo.
Nhiều nạn nhân của căn nhà cho thuê này còn quay phim, ghi âm lại đoạn đối thoại với chủ nhà trọ và đăng lên mạng xã hội nhằm cảnh báo cho những người khác. Nickname Tien Vuong tường thuật: “Phải cọc tiền trước 3 tháng và đóng thêm nhiều thứ tiền khác. Nếu bạn muốn lấy lại tiền cọc sẽ phải đối diện với một anh côn đồ trước rồi tính sau”.
Còn Nickname Doan Trang chia sẻ: “Bọn này thường dán giấy cho thuê ở các cột điện, cửa hàng tiện lợi, đăng tin trên web nhưng lại không để địa chỉ cụ thể, chỉ ghi đường gì đó, gần trường đại học nào đó hay ngay ngã tư… và đánh vào tâm lý nhất là đối với các bạn nữ vì phòng đẹp, tiện nghi.
“Vì thế khi đi xem phòng nhất định phải hỏi rõ về vấn đề điện nước, chỗ để xe mất phí bao nhiêu… rồi mới đưa tiền thế chân. Khi ký hợp đồng tuyệt đối đọc kỹ từng chữ trong hợp đồng, hỏi thêm có còn bất kỳ khoản phí nào nữa không vì bọn lừa đảo hay ghi “sẽ thu thêm các khoản phí khác (nếu có)””, Doan Trang chia sẻ kinh nghiệm.
Yến Nhi- Nguyễn Dũng