Bị cáo Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1981, trú phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt tù vì gây ra hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ. Nhưng nhiều bị hại kháng cáo, khẳng định chỉ giao dịch với chồng bị cáo Thúy. 
Lừa xin việc, chiếm đoạt tiền tỷ 
Hồ sơ sơ thẩm thể hiện, do cần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ vay với lãi suất cao, Thúy nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy bản thân không có việc làm ổn định nhưng Thúy nói dối mình là công chức ngành giáo dục, có nhiều mối quan hệ quen biết… có khả năng xin được việc làm nếu người muốn xin việc bỏ ra một số tiền nhất định. Nhưng khi đã nhận tiền, Thúy lại tiêu xài cá nhân, trả nợ, trả lãi vay và vứt bỏ hồ sơ xin việc. Để chiếm đoạt nhiều tiền hơn, Thúy còn nói người xin việc đưa thêm tiền vì lý do sức khỏe, chiều cao, điều chuyển công tác… hay để được làm ở những ngành, địa bàn có thu nhập, vị trí tốt hơn. 
Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.
Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.
Điển hình, cuối năm 2014, ông V.H.L nhờ Thúy xin việc cho con của ông Đ.D.K. Thúy liền nói có thể xin vào làm tại Kho xăng dầu Vĩnh Nguyên với giá 95 triệu đồng. Ông L. đã nhận tiền và hồ sơ xin việc từ ông K. rồi đưa cho Thúy. Thực tế, Thúy không quen ai ở kho xăng dầu và chỉ dùng số tiền này tiêu xài, trả nợ vay. Sau nhiều lần bị ông L. thúc giục, hỏi tình hình, Thúy lại nói “chạy” vào kho xăng dầu không được, nhưng có suất vào ngành Công an với điều kiện đưa thêm 170 triệu đồng. Ông L. lại nhận thêm của ông K. 170 triệu đồng đưa cho Thúy. Thúy tiếp tục tiêu xài số tiền này mà không làm gì. Cũng trong thời gian này, ông L. còn nhờ Thúy xin việc cho 2 trường hợp khác vào làm tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và Công ty Truyền tải điện 3. Thúy ra giá lần lượt là 200 triệu đồng và 250 triệu đồng. Ông L. đã nhận tiền và hồ sơ từ những người quen rồi đưa cho Thúy 450 triệu đồng. Như vậy, với 3 trường hợp ông L. nhờ xin việc, Thúy đã chiếm đoạt 715 triệu đồng. 
Với thủ đoạn tương tự, từ năm 2013 đến 2016, Thúy đã trực tiếp hoặc thông qua chồng là ông Lê Quang Độ, lừa đảo chiếm đoạt của 22 người dưới hình thức vay mượn, xin việc làm. Ngoài ra, năm 2015, Thúy còn đem thế chấp đăng ký xe ô tô giả của chồng để vay của bà P.T.Y 400 triệu đồng (đăng ký xe ô tô thật của vợ chồng Thúy đã thế chấp cho ngân hàng do mua xe trả góp). Thúy còn nhiều lần chiếm đoạt của bà P.T.Y bằng cách vay lãi, tổng cộng 830 triệu đồng. Thúy cũng nhiều lần nhờ chồng đứng ra vay; trực tiếp đi vay rồi chiếm đoạt tiền của nhiều người khác. Tổng số tiền Thúy lừa đảo chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng.
Tháng 5-2019, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thúy 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, nhiều bị hại kháng cáo, đề nghị xem xét thêm trách nhiệm hình sự của chồng bị cáo Thúy.
Có dấu hiệu đồng phạm
Tại phiên tòa phúc thẩm tháng 9 vừa qua, nhiều bị hại cung cấp bằng chứng khẳng định họ trực tiếp giao dịch với ông Độ, tin tưởng ông Độ nên mới giao tiền. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Vị này nêu, quá trình điều tra và tại phiên tòa xác định, ông Độ nói dối có cổ phần tại công ty xăng dầu để các bị hại tin tưởng đưa tiền. Ông Độ lý giải, vì tin tưởng vợ, không biết vợ nói dối chuyện cần tiền làm ăn nên ông đã nói dối nhằm vay tiền giúp vợ. Tuy nhiên, ông lại thừa nhận, nhà đã lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng trả nợ, tài sản đã thế chấp ngân hàng hoặc bán hết. Ông biết rõ vợ không có nghề nghiệp ổn định, không có thu nhập nào khác ngoài những khoản vay, cũng chưa bao giờ thấy vợ xin được việc cho ai. Do đó, ông khai không biết là không đúng.  
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo của các bị hại, đề nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng và kiến nghị của TAND tỉnh, tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Tòa cấp phúc thẩm nhận định, ông Độ có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo Thúy trong việc chiếm đoạt tiền của một số bị hại. 
Được biết, trong bản án sơ thẩm, TAND tỉnh cũng đã kiến nghị VKSND Tối cao, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Độ do có vai trò đồng phạm với bị cáo Thúy thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại. Trước đó, tòa cấp sơ thẩm cũng đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với ông Độ nhưng cơ quan điều tra xác định, tuy hành vi của ông Độ có dấu hiệu gian dối, nhưng ông này không thấy trước hậu quả xảy ra, không có mục đích chiếm đoạt do Thúy nói dối chồng là vay tiền làm ăn, Thúy cũng trả lãi đầy đủ đối với các trường hợp nhờ chồng vay giùm. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Độ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; VKSND tỉnh không truy tố.

Theo: Báo Khánh Hòa