Hơn 200 chuyên gia y tế Pháp và Việt Nam đã gặp gỡ giao lưu trong khuôn khổ cuộc hội thảo tổng kết 25 năm hợp tác song phương trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân, diễn ra ngày 15/6 tại Đại học Sorbonne, Paris.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo này nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và 25 năm ký kết Hiệp định liên chính phủ về hợp tác y tế.
Hơn 20 chương trình đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đào tạo bác sỹ, chuyển giao công nghệ và kỹ năng trong khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học…
Trong 25 năm qua, khoảng 3.000 bác sỹ Việt Nam đã được đào tạo tại các bệnh viện của Pháp. Nhiều giáo sư Pháp đã tham gia giảng dạy tại các trường đại học y dược ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế và thành phố Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia y tế cho biết hai nước đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong hợp tác y tế dự phòng và y tế công cộng, thông qua mạng lưới Viện Pasteur mà Việt Nam đóng góp 3 thành viên: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Pháp cũng đã tài trợ hiệu quả nhiều chương trình phòng chống các bệnh truyền nhiễm, như lao, sốt rét và HIV/AIDS.
Sau khi đạt được phần lớn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, Việt Nam tiếp tục tham gia vào “Chương trình nghị sự 2030” với các Mục tiêu cho phát triển bền vững. Thách thức đặt ra cho Việt Nam là phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đang ngày càng đòi hỏi những dịch vụ chất lượng cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, trong năm 2018, hai nước tiếp tục mối quan hệ hợp tác y tế đa dạng như thời gian trước đây, cụ thể là đào tạo đại học và sau đại học, chuyển giao thiết bị, tiêm chủng, nghiên cứu y học, quản lý bệnh viện… Tuy vậy, các phương thức hoạt động đã thay đổi đáng kể do sự xuất hiện của các bệnh lý mới liên quan đến môi trường và già hóa dân số, nhu cầu ngày càng cao của các bác sỹ Việt Nam mà trình độ ngày càng được các đồng nghiệp trên thế giới công nhận, kỳ vọng mạnh mẽ của xã hội đối với ngành y tế và mối đe dọa biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Đào Thu Hà, Chủ tịch Liên hội y tế Pháp-Việt, nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi để hoạt động hiệu quả hơn trong hợp tác với Việt Nam, một đất nước đang phát triển nhanh chóng.
[Quan hệ giữa Việt Nam-Pháp: Đối tác chiến lược thực chất]
Với hơn 20 hội thành viên, Liên hội ưu tiên hỗ trợ nhu cầu hiện đại hóa ngành y tế tại Việt Nam, với những công nghệ mới mang tính đột phá và những phương thức làm việc hiện đại.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một thỏa thuận hợp tác mới sẽ được ký kết giữa hai bộ y tế vào cuối năm 2018. Lĩnh vực ưu tiên đầu tiên sẽ là đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là các bác sỹ thực hành và chuyên khoa để tăng cường năng lực thực hiện các kỹ thuật cao.
Ưu tiên thứ hai là nghiên cứu khoa học về các bệnh nhiễm trùng, lâm sàng, dược, vắcxin. Thứ ba là đầu tư sản xuất thuốc biệt dược và vắcxin. Tiếp theo là quản lý y tế trong giai đoạn mới như tự chủ tài chính bệnh viện, bảo hiểm y tế để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Cuối cùng là tăng cường y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, một lĩnh vực mà Pháp rất có kinh nghiệm.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho 30 chuyên gia y tế Pháp đã có những đóng góp quan trọng đối với ngành y tế Việt Nam./.
Theo: Viet Nam Plus