Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định quan điểm rõ ràng và nhất quán như vậy khi trả lời về thông tin liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hôm nay (8/5).
“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Theo bà Hằng: “Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc;
Vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).”.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Singapore và Dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng cho rằng, ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở lập trường và nguyên tắc đã có về vấn đề Biển Đông, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, ràng buộc pháp lý nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhận định tình hình Biển Đông trên thực tế vẫn còn phức tạp, ASEAN cần đoàn kết, vững vàng, tiếp tục đề cao lập trường và các nguyên tắc chung đã nhất trí về Biển Đông như: Bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế, không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các lãnh đạo hoan nghênh tiến triển tích cực ban đầu của tiến trình đàm phán xây dựng COC, thể hiện qua kết quả của cuộc họp cấp làm việc giữa ASEAN và Trung Quốc tổ chức tại Nha Trang tháng 3; nhấn mạnh cần xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và có khả năng điều chỉnh hành vi ứng xử của các bên liên quan, đóng góp xây dựng 1 trật tự khu vực dựa trên luật lệ, vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.
Châu Như Quỳnh
Theo: Dân Trí