Bằng những nét vẽ hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò, nhóm 5 học sinh Trường THCS Âu Cơ (TP. Nha Trang) đã thiết kế một bộ truyện tranh để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.
Từ những câu chuyện nhỏ…
Vào một ngày nọ, ở một vương quốc rác, bịch rác nhỏ không chịu được cảnh chật chội và khổ sở vì lượng rác ngày một tăng nên đã quyết tâm đi tìm vị bô lão trong làng để kêu cứu. Nghe bô lão kể rằng, chỉ có cách giải thoát vị thần “3T” đang bị nhốt trên núi mới có thể cứu rỗi được cả vương quốc, bịch rác nhỏ ngay lập tức lên đường. Trên đường đi, các bạn rau héo, chai nhựa, hộp giấy… cùng nhập hội và đồng tâm hiệp lực giải cứu vị thần. Được giải thoát, vị thần đã dùng phép thuật của mình để tiến hành cuộc cách mạng “3T”: Tiết giảm (bao bì nhựa, ni lông), tái sử dụng, tái chế đối với từng loại rác. Bình nước cá nhân được thay thế cho chai nhựa đựng nước, giỏ đi chợ thay cho túi ni lông, ống hút tre thay cho ống hút nhựa, cà mèn và muỗng được thay thế cho hộp xốp đựng đồ ăn…
Đây là một trong những câu chuyện nhỏ trong bộ truyện tranh của nhóm 5 học sinh Trường THCS Âu Cơ. Bộ truyện gồm: Câu chuyện về rác và nước; Khi môi trường lên tiếng; Hành tinh xanh; Rừng ơi ở lại; Lời nguyền của dòng sông. Nhiều câu chuyện thú vị về môi trường được các học sinh thể hiện qua những hình ảnh sinh động, câu thoại dí dỏm, nét vẽ hồn nhiên, trong sáng. Đó là câu chuyện về bố bé Na suýt cho con nghỉ học để lên rừng phụ cha chặt củi; chuyện người dân đem chú mèo chết và chai thuốc sâu ném xuống mương; chuyện em cá, chị tôm, bạn lục bình bị bệnh vì nguồn nước sông bị ô nhiễm; chuyện nhóm người vứt rác bừa bãi khi tụ tập ăn uống trên bãi biển… Từ đó, những vấn đề về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, phân loại và tái chế rác… được truyền tải một cách sinh động, gần gũi và dễ hiểu.
Em Trần Nguyễn Thùy Anh – lớp 9/1 (trưởng nhóm) cho biết, nhóm đã khảo sát các bạn trong trường và được biết, đa số các bạn mới chỉ tiếp cận hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường qua báo, đài, truyền hình, pa nô, áp phích, tờ rơi và các buổi sinh hoạt tại trường. Vì vậy, nhóm chọn hình thức tuyên truyền mới thông qua truyện tranh. Sau khi lên ý tưởng, mỗi thành viên được phân công đảm nhận từng nhiệm vụ, tùy theo sở trường của mình. Người sáng tác nội dung; người thiết kế khung cho từng trang truyện trên máy vi tính và in sẵn lời thoại lên khổ giấy A4; người vẽ và tô màu các nhân vật, hành động, bối cảnh… cho hài hòa, sinh động và khớp với nội dung. Sau khi hoàn thành phiên bản tiếng Việt, các trang truyện được scan và đưa lên máy vi tính để thay thế lời Việt bằng tiếng Anh. Dịch xong bộ truyện, nhóm nhờ thầy cô giáo dạy tiếng Anh thẩm định lại.
Hướng đến thói quen tốt
Sau khi hoàn thành, bộ truyện đã được giới thiệu tại các tiết chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, sau đó được trưng bày tại thư viện trường, các lớp học. Em Trần Nguyễn An Hòa – lớp 7/1 chia sẻ: “Chúng em mong muốn sẽ sáng tác thêm nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn hơn, tăng thêm số lượng ấn phẩm và có thể dịch sang nhiều thứ tiếng khác”. Nhóm còn đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường thành lập Câu lạc bộ xây dựng môi trường xach – sạch – đẹp và tổ chức các hội thi vẽ tranh, sáng tạo sản phẩm tái chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. Câu lạc bộ đã hướng dẫn các bạn học sinh bảo vệ môi trường thông qua việc bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, giữ vệ sinh chung, tham gia các phong trào trồng và chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, nuôi cá, trang trí lớp…
Thầy Lê Quang Dũng, giáo viên môn Lịch sử – người hướng dẫn, chịu trách nhiệm nội dung bộ truyện cho biết: “Các em học sinh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho bộ truyện, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện hơn. Đặc biệt, các em đã biết biến những ý tưởng trong câu chuyện thành những hành động thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Tuy chỉ là những hành động nhỏ, nhưng sẽ góp phần nâng cao ý thức, tạo thành thói quen tốt. Bảo vệ môi trường cũng bắt đầu từ chính những hành động nhỏ mà tất cả mọi người chung tay góp sức”.
Ngày 9-2, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản phản hồi Trường THCS Âu Cơ về bộ truyện tranh. Theo đó, bộ truyện được đánh giá phù hợp Luật Bảo vệ môi trường, có tính khả thi và có thể nhân rộng, triển khai áp dụng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là đối với học sinh các trường trong thời gian tới.
|
H.NGÂN