Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), một số đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để giăng bẫy lừa đảo thông qua các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến hoặc trên các trang mạng xã hội.
Chỉ cần tải ứng dụng vay tiền, nhập tên, chứng minh nhân dân, số tiền cần vay, không cần hợp đồng lao động hay chứng minh thu nhập, sau vài phút, khoản vay đã được duyệt, tiền vay được chuyển đến người vay trong ngày. Đây chính là hình thức cho vay trực tuyến qua các app cho vay online khá phổ biến hiện nay. Do thủ tục đơn giản, lại nhanh gọn, nhiều người đã chọn hình thức vay này. Tuy nhiên, khi đã “sập bẫy”, nhiều nạn nhân mới vỡ lẽ khi số tiền phải trả nhiều gấp hàng chục lần số tiền gốc chỉ trong một thời gian ngắn… Đặc biệt, tình trạng cho vay này bắt đầu xuất hiện khá nhiều tại khu vực miền núi.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Trước Tết Nguyên đán, do cần tiền chi tiêu trong gia đình, ông Cao H. (xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm) lên mạng xã hội tìm hiểu các dịch vụ cho vay và tình cờ nhận được lời quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, được hướng dẫn nhiệt tình. Chỉ sau vài thao tác đơn giản như: cung cấp hình ảnh cá nhân, chứng minh nhân dân và số điện thoại của một số người thân, ông Cao H. nhận được số tiền hơn 3 triệu đồng thông qua tài khoản ngân hàng sau khi trừ các chi phí. “Do thấy lãi suất quá cao cùng các chi phí vô lý, sau Tết Nguyên đán, tôi đã chủ động trả hết khoản nợ này. Tuy nhiên, có một số bà con ở đây đã vay theo hình thức này, bây giờ không trả nổi”, ô Cao H. cho biết.
Còn ông Cao Trị (xã Sơn Tân) cho biết, ông chưa từng thực hiện vay tiền ở bất cứ hình thức nào, nhưng hàng ngày, ông vẫn nhận các cuộc gọi đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm gây áp lực để tác động đến người vay mà ông quen biết. Họ gọi điện bất kể giờ giấc, có khi là đang làm việc, giờ nghỉ trưa hoặc đêm khuya. Các đối tượng cho biết có hộ vay đến nay kể cả gốc và lãi đã 30 triệu đồng. Do có nhiều hộ chậm trả khiến lãi suất tăng lên rất cao.
Công an xã Sơn Tân xác nhận, gần đây đã nhận được những tin báo có nhiều đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo hình thức vay trực tuyến với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, qua đó đã có nhiều người dân tại địa phương, trong đó có nhiều đồng bào DTTS sập bẫy. Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền online” hoặc “app cho vay tiền”, chỉ trong vài giây đã nhận hàng chục triệu kết quả, với lời mời chào vay tiền hấp dẫn. “Nhiều người khó khăn, kém hiểu biết, thấy thủ tục vay đơn giản, chỉ vay từ 10 triệu đồng trở xuống nên đã bị các đối tượng lợi dụng. Theo hợp đồng, người vay chỉ cần chậm trễ 1 ngày là tiền phạt rất cao. Khi không thể liên lạc được với người vay, các đối tượng gọi điện cho người thân bất kể giờ giấc đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương”, Trung tá Nguyễn Hải Khánh – Trưởng Công an xã Sơn Tân nói.
Theo cơ quan chức năng, hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng online là thủ đoạn mới, tinh vi, biến tướng của loại tội phạm “tín dụng đen”, đang lách luật để hoạt động, sử dụng công nghệ để dụ dỗ người vay, việc cho vay đã biến tướng thành cho vay nặng lãi. Ông Cao Hồng Phong – Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân cho biết: “Địa phương có 95% số dân là đồng bào DTTS, có 286 hộ, 1.094 khẩu, trong đó có 51 hộ nghèo và 89 hộ cận nghèo. Với tình hình trên, địa phương đã tổ chức tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, họp thôn, tổ để người dân biết và hiểu các hệ lụy mang lại. Chính quyền và người dân địa phương mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” núp bóng sử dụng công nghệ để cho vay nặng lãi; hạn chế tình trạng cho vay theo hình thức này lan sang các địa phương khác”.
Mã Phương