Mùa mưa bão đang đến gần. Để chủ động ứng phó với thiên tai bất thường, huyện Vạn Ninh đã xây dựng phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro. Địa phương cũng rà soát, kiến nghị ngành chức năng đầu tư, xây dựng các công trình nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Đề xuất xây dựng, nâng cấp công trình vượt lũ

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Thôn Bình Lộc 2 (xã Vạn Bình) nằm cách xa trung tâm xã, có 65 hộ dân sinh sống, với 30ha sản xuất lúa. Do đây là khu vực gần chân núi và thuộc hạ lưu hồ chứa nước Suối Luồng, đập Đồng Dáy nên vào mùa mưa, lượng nước từ trên núi đổ dồn về rất lớn. Tuyến đường huyết mạch vào thôn có tràn Bến Khế chảy ra sông Đồng Điền. Mùa mưa lũ, lượng nước qua tràn lớn, chảy xiết nên người và phương tiện không thể qua lại, gây chia cắt, cô lập khu dân cư. Do vậy, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình vượt lũ Bến Khế trước mùa mưa lũ là rất cấp thiết.



Khu vực tràn Bến Khế đang được đề xuất đầu tư xây dựng công trình vượt lũ.

Khu vực tràn Bến Khế đang được đề xuất đầu tư xây dựng công trình vượt lũ.



Ở thôn Xuân Thọ (xã Xuân Sơn) có 150 hộ dân sinh sống, với hàng chục héc-ta sản xuất lúa, cây màu của người dân. Trên tuyến đường vào thôn có tràn Xuân Thọ, vào mùa mưa lũ, nước từ suối Diên và suối Phước Thủy chảy xuống gây ngập lụt, người và phương tiện không thể qua lại, làm chia cắt, cô lập hoàn toàn. Đồng thời, tràn Xuân Thọ được đầu tư xây dựng nhiều năm nên xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng, cống bị bồi lấp khó tiêu thoát nước. Vì vậy, chính quyền và người dân rất mong được đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình vượt lũ qua tràn Xuân Thọ.


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện, đứng trước nhu cầu cấp thiết của người dân, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét và đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề xuất xây dựng công trình vượt lũ Bến Khế và Xuân Thọ với tổng mức đầu tư 2 công trình khoảng 2,2 tỷ đồng. Địa phương rất mong UBND tỉnh xem xét đầu tư xây dựng khẩn cấp 2 công trình nói trên để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Chủ động phương án ứng phó với thiên tai


Ông Nguyễn Thành Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ năm 2016 đến 2021, tình hình thiên tai đã gây ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn cho địa phương. Trong 6 năm qua, toàn huyện thiệt hại khoảng 5.146 tỷ đồng, nhất là năm 2017 thiệt hại hơn 4.910 tỷ đồng, làm 20 người chết; năm 2020 thiệt hại hơn 60 tỷ đồng… Với tình trạng biến đổi khí hậu bất thường và cực đoan của thời tiết, để giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, người dân, huyện đã xây dựng và ban hành phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả với các loại hình thiên tai năm 2022.


Phương án được huyện xây dựng rất cụ thể với từng loại hình thiên tai, như: Ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; phòng, chống ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; phòng, chống động đất, sóng thần. Mỗi phương án được tính toán, rà soát chi tiết và đưa ra cách xử lý rất bài bản về di dời, sơ tán dân ở từng khu vực trọng yếu; đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện; phương án chỉ đạo phòng tránh, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; huy động, sử dụng lực lượng ứng phó; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm… Đồng thời, huyện đã chỉ đạo tất cả các phòng, ban, 13 xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, nhuần nhuyễn các phương án. Đối với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt phải phát huy tối đa nội lực theo phương châm “bốn tại chỗ” và thường xuyên cập nhật, bổ sung các số liệu sơ tán dân, thống kê, kiểm soát các khu vực xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.


Vạn Ninh có hơn 1.240 bè với hơn 38.600 lồng nuôi trồng thủy sản, hơn 2.400 lao động trên các lồng bè, gần 1.000 phương tiện tàu thuyền. Do đó, huyện rất quan tâm đến phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè. Khi có thiên tai, toàn huyện huy động các lực lượng chức năng thông tin về diễn biến và kêu gọi, vận động người dân di chuyển tàu thuyền, lồng bè vào nơi tránh trú, kín sóng, gió; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè và sẽ áp dụng biện pháp mạnh khi cần thiết. Việc di dời dân ở những khu vực xung yếu, nguy hiểm cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Qua rà soát, theo từng cấp độ thiên tai, toàn huyện sẽ di dời tập trung từ hơn 600 hộ dân đến hơn 2.100 hộ dân tại 13 xã, thị trấn tới 172 vị trí an toàn…


Với sự chủ động từ sớm, cùng với xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết, được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện thực tế sẽ giúp huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại hình thiên tai khi xảy ra. Qua đó, góp phần giảm nhẹ thiệt hại tài sản cho Nhà nước và tài sản, tính mạng của người dân.


VĂN GIANG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202209/van-ninh-chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-8262203/