Năm 2017, án hành chính toàn tỉnh Khánh Hòa tăng đột biến, nhưng tỷ lệ giải quyết chưa cao, nhất là án hành chính sơ thẩm, đó là thực trạng xét xử được Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo tại  kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VI.

Trong năm 2017, số lượng án dân sự, hành chính thụ lý sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh có sự tăng đột biến so với năm 2016, tăng 43,36%, nhưng tỷ lệ giải quyết vụ án chưa cao, nhất là đối với án hành chính sơ thẩm chỉ đạt 67,58%.

Xuất phát từ sự thay đổi về thẩm quyền của tòa án. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng địa bàn hành chính với tòa án, trước đây thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện thì hiện nay thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh (Khoản 4, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015). Cụ thể, trong số 90 vụ án thụ lý sơ thẩm thì có 70 vụ án là khiếu kiện hành chính đối với chủ tịch UBND huyện hoặc UBND cấp huyện (chiếm 77,77%).  

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Bên cạnh đó là án dân sự, Điều 34 Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, khi giải quyết án dân sự, tòa án có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật (của cơ  quan, tổ chức có thẩm quyền) xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết, thẩm quyền trong trường hợp này được xác định theo Khoản 4, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính. Điều này dẫn đến thực trạng trong năm 2017, số lượng án  dân sự TAND tỉnh thụ lý sơ thẩm có liên quan đến hủy quyết định hành chính cá biệt là 58 vụ, chiếm 18,73% số lượng án thụ lý.

Thực tiễn xét xử vẫn còn tình trạng nhận thức, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của một số thẩm phán trong giải quyết vụ án thiếu thống nhất, chưa chính xác, dẫn đến tình trạng án bị hủy hoặc bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; tỷ lệ giải quyết án chưa cao, nhất là đối với án hành chính sơ thẩm.

Về tình trạng án vi phạm thời hạn giải quyết do một số cơ quan, tổ chức (người bị kiện, người có quyền lợi liên quan) chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ. Cụ thể, trong năm 2017, trong 23 vụ án tạm đình chỉ có 15 vụ án tạm đình chỉ vì lý do này (chiếm 65,21%). Cá biệt, có một số trường hợp thẩm phán giải quyết vụ án đã nhiều lần có công văn nhắc, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhưng vẫn không có phản hồi từ cơ quan có liên quan.

Để khắc phục hạn chế này, TAND tỉnh tranh thủ sự lãnh đạo, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành chức năng trong quá trình thu thập chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự – hành chính – nhất là sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành pháp luật về cung cấp chứng cứ để khắc phục tình trạng dây dưa không giao nộp chứng cứ cho tòa án.

Một vi phạm mang tính phổ biến, gây khó khăn cho công tác giải quyết án hành chính là do người bị kiện không thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015. Cụ thể: Điều 60, Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này…”. Luật còn quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau, về việc giải quyết các vụ án, theo quy định của luật này”. Như vậy, đối thoại là thủ tục bắt buộc và là nhiệm vụ của thẩm phán khi được chánh án phân công giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn, tòa đang rất khó khăn, thậm chí lúng túng khi thực hiện việc đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện. Người bị kiện là Chủ tịch UBND hầu như không trực tiếp tham gia tố tụng, mà ủy quyền cho Phó Chủ tịch đại diện. Sau đó cấp phó lại có đơn gửi tòa xin vắng mặt tất cả các buổi làm việc, kể cả vắng mặt tại các phiên xét xử. Quá trình giải quyết án hành chính do vắng mặt của người bị kiện dẫn đến các quy định bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử án hành chính, theo Hiến pháp năm 2013 và Luật TTHC năm 2015 đã bị vô hiệu trong thực tiễn. Vụ kiện của bà Võ Thị Chỉnh kiện UBND TP. Nha Trang khiếu kiện quyết định trong lĩnh vực đất đai thụ lý đã hơn 12 tháng vẫn chưa được đưa ra xét xử là trường hợp điển hình.

Năm 2017, công tác xét xử án hành chính toàn tỉnh (số liệu tính từ ngày 1-10-2016 đến ngày 30-9-2017) đã giải quyết 77/114, đạt 67% (so với cùng kỳ năm trước, số vụ án phải giải quyết tăng 62 vụ, tỷ lệ giải quyết vụ án tăng 20,24%). Trong đó, TAND tỉnh giải quyết 60/95 vụ, đạt 63,15% (so với năm trước số vụ án phải giải quyết tăng 43 vụ, tỷ lệ giải quyết vụ án tăng 23%); các tòa án cấp huyện giải quyết 17/19 vụ, đạt 89,47% (so với cùng kỳ năm trước số án phải giải quyết giảm 8 vụ, tỷ lệ giải quyết vụ án tăng 37,62%).

Theo luật, Phó Chủ tịch được Chủ tịch UBND ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định, không được ủy quyền lại. Nhưng hầu như Phó Chủ tịch không thực hiện điều đó. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiêm túc thực hiện Điều 60 Luật TTHC năm 2015.  

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó có liên quan hoạt động xét xử của TAND. Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần nâng cao tỷ lệ xét xử, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn theo quy định của pháp luật, việc hủy án, sửa án do nguyên nhân chủ quan; yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 60 của Luật TTHC năm 2015; có biện pháp tăng cường năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán được giao xét xử vụ án hành chính.

Hy vọng, năm 2018, những hạn chế, bất cập trong xét xử án hành chính của TAND tỉnh sẽ được các cơ quan chức năng tháo gỡ, khắc phục, để giải quyết vụ án đúng thời hạn luật định, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng khi xét xử.

HỒNG HÀ

Theo: Báo Khánh Hòa