Qua 10 năm thực hiện, ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ người chấp hành quy định này ngày càng cao.
Chấp hành quy định đạt khoảng 98%
Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 470 đợt tuyên truyền về quy định đội MBH với 57.000 lượt người tham dự; phát gần 39.000 bản cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh; cấp phát 47.700 tờ rơi, thư bướm các loại… Cùng với đó, các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện cho hơn 10.000 phụ huynh, học sinh, giáo viên các trường học.
Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về quy định bắt buộc đội MBH cũng được các ngành chức năng tích cực thực hiện. Thượng tá Ngô Văn Thảo – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh cho biết, những năm qua, cảnh sát giao thông đã chủ động phối hợp với các lực lượng khác tuyên truyền nhắc nhở người dân đội MBH khi tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy cố tình không chấp hành. Từ năm 2007 đến nay, cảnh sát giao thông các cấp đã phối hợp bố trí hơn 73.500 ca tuần tra kiểm soát, phát hiện lập biên bản xử lý gần 93.000 trường hợp vi phạm các quy định về đội MBH khi tham gia giao thông, với số tiền phạt gần 14 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Công Định – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, nhờ triển khai nhiều biện pháp, ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân đã từng bước được nâng lên. Tỷ lệ người tham gia giao thông đội MBH ngày càng được nâng cao, chiếm khoảng 98%, trong đó lực lượng công chức, viên chức, quân nhân, công nhân viên quốc phòng đạt 100%. Việc chấp hành đội MBH đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, giảm tai nạn giao thông đường bộ và giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả trên, từng lúc, từng nơi vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định bắt buộc đội MBH, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Một số thanh thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm quy định này; số ít học sinh phổ thông đi xe đạp điện, xe máy điện chưa tự giác chấp hành đội MBH và một số phụ huynh không đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm
Trong 10 năm, toàn tỉnh xảy ra 438 vụ tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm quy định không đội MBH khi tham gia giao thông, chiếm 5,5% (438/2.427 vụ) trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ. |
Trước thực trạng MBH không đạt chuẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, tỉnh đã có nhiều biện pháp ngăn chặn vấn đề này. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH đổi MBH đạt chuẩn cho nhân dân, có trợ giá. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh tổ chức đổi 12.500 MBH đạt chuẩn. Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 306 cơ sở kinh doanh MBH, phát hiện 61 trường hợp vi phạm kinh doanh không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quy định về dấu hợp quy, kinh doanh MBH không đạt chuẩn, chất lượng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 100 triệu đồng, tịch thu gần 2.200 MBH các loại.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH trên địa bàn tỉnh. Lực lượng công an đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 11 trường hợp kinh doanh MBH không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không có tem hợp quy, không đảm bảo chất lượng, xử phạt 4 trường hợp với số tiền 11,4 triệu đồng, cảnh cáo 7 trường hợp; thu giữ gần 1.900 MBH và tổ chức tiêu hủy theo quy định.
MẠNH HÙNG
Theo: Báo Khánh Hòa